(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Lợi ích từ mô hình tiết kiệm năng lượng ESCO

Chủ nhật - 19/03/2017 23:10 - Đã xem: 3700
Ông Trịnh Quốc Vũ – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) trao đổi về mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO).
loi ich tu mo hinh tiet kiem nang luong esco
Ông Trịnh Quốc Vũ.

PV: Thưa ông, mặc dù được thí điểm thực hiện tại Việt Nam từ những năm 2008, tức là gần 10 năm rồi nhưng cụm từ “mô hình công ty dịch vụ năng lượng ESCO” vẫn còn khá mới mẻ và lạ lẫm đối với nhiều người. Xin ông cho biết cụ thể hơn về sự xuất hiện của mô hình này?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) là loại hình công ty mà mô hình kinh doanh là sử dụng các hợp đồng hiệu quả năng lượng làm cơ sở để trả công cho mình khi thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng. ESCO thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng (TKNL) vì lợi ích của khách hàng bằng cách hướng đến giải quyết các rào cản tự nhiên của thị trường; Cung cấp dịch vụ cho khách hàng thông qua Hợp đồng hiệu quả năng lượng (EPC).

Mô hình công ty dịch vụ năng lượng đã xuất hiện ở Bắc Mỹ từ hơn 30 năm trước, đến nay đã được phổ biến khá rộng rãi ở các nước trên thế giới, trong đó một số nước đã có khung pháp lý xác định rõ mô hình kinh doanh ESCO như Italia, Thái Lan, Trung Quốc, Tunisia.

PV: Mô hình năng lượng ESCO dành cho những đối tượng nào, thưa ông?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Đối tượng áp dụng ESCO bao gồm các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, tòa nhà. Hệ thống đèn chiếu sáng công cộng dân lập do địa phương quản lý: thay thế dần hệ thống đèn chiếu sáng dân lập hiện hữu bằng hệ thống đèn LED, vừa tiết kiệm điện, vừa đảm bảo an toàn cho người dân. Cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước: với nguồn kinh phí hoạt động hạn hẹp, phụ thuộc vào kế hoạch vốn từ cấp trên, các đơn vị này vẫn thực hiện chủ trương của Chính phủ về tiết kiệm chi phí.

PV: Những hoạt động của mô hình dịch vụ năng lượng ESCO?

Ông Trịnh Quốc Vũ: ESCO sẽ thực hiện gói dịch vụ năng lượng bao gồm lập kế hoạch, nhận dạng giải pháp TKNL, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì, tối ưu hóa, đóng góp tài chính, đo đạc và xác nhận mức TKNL …

ESCO bảo đảm cho các chi phí đầu tư, kết quả tiết kiệm năng lượng và chịu rủi ro về thương mại để thực hiện giải pháp hiệu quả năng lượng và quản lý trong cả thời gian thực hiện dịch vụ.

PV: Những kết quả mà các doanh nghiệp áp dụng mô hình năng lượng ESCO thời gian qua, theo đánh giá của ông?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Tôi thấy rằng kết quả mà các doanh nghiệp áp dụng mô hình tiết kiệm năng lượng ESCO đạt được là rất đáng ghi nhận. Kết quả này đồng thời cũng nói lên rằng: thị trường cho ESCO tại Việt Nam có tiềm năng rất lớn và đang khởi sắc. Bằng việc áp dụng mô hình ESCO, các DN có thể tiếp cận các giải pháp xanh, đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ mới với chi phí đầu tư tốt nhất và đạt được hiệu quả cao nhất.

Giải pháp ESCO còn giúp DN có điều kiện tham gia các Chương trình/Dự án quốc gia và quốc tế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Thực tế triển khai mô hình ESCO đã cho thấy mô hình này đem lại rất liều lợi ích. Đối với khách hàng, được cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện bao gồm kiểm toán năng lượng, lập kế hoạch, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng năng lượng; Không phải bỏ ra vốn đầu tư ban đầu để xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng; Được công ty ESCO chia sẻ lợi nhuận từ các khoản chi phí năng lượng tiết kiệm được; Được hưởng toàn bộ hệ thống thiết bị năng lượng mà công ty ESCO đã đầu tư sau thời hạn thỏa thuận hoàn trả chi phí đầu tư ban đầu giữa hai bên; Được đảm bảo hoàn toàn về lượng điện năng và chí phí tiết kiệm được trong thời gian thực hiện hợp đồng; Giảm chi phí năng lượng, chi phí bảo dưỡng, rủi ro pháp lý và tránh bị xử phạt; Kiểm soát tình hình sản xuất, tăng tính cạnh tranh.

Đối với xã hội, giúp giảm lượng khí phát thải nhà kính vào môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; Góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm bớt biến động giá; Cắt giảm chi phí đầu tư, giảm phụ tải, giảm tổn thất, tăng lợi nhuận cho các nhà máy điện.

PV: Lợi ích là thế nhưng tại sao sau hơn 5 năm triển khai ứng dụng tại Việt Nam, được sự hỗ trợ từ Chính phủ và các doanh nghiệp giàu kinh nghiệm của Nhật Bản mà mô hình này chưa phát triển rộng rãi?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Việc mô hình ESCO hiện chưa phát triển rộng rãi tại Việt Nam có nhiều nguyên nhân như thiếu khung pháp lý cho hoạt động ESCO tại Việt Nam; Thiếu cơ chế/hỗ trợ tài chính cho việc phát triển và triển khai dự án; chưa có nhiều quỹ/tổ chức tài chính tham gia vào hoạt động ESCO; Sự không tin tưởng của khách hàng và rủi ro có thể của các dự án Hiệu quả năng lượng; Khách hàng quan tâm đến việc tăng doanh số hơn là giảm chi phí thông qua tiết kiệm năng lượng; Chưa có qui định bắt buộc về việc đầu tư cho tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; Các đơn vị cung cấp dịch vụ năng lượng của nhà nước không có quyền tự chủ và không có đủ khích lệ để triển khai hoạt động EPC.

loi ich tu mo hinh tiet kiem nang luong esco
Bình nước nóng năng lượng mặt trời.

PV: Được biết, mô hình năng lượng ESCO đang được Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) triển khai thí điểm từ năm 2014, thời gian thí điểm kéo dài đến năm 2020. Xin ông cho biết cụ thể hơn về kế hoạch này?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Từ năm 2014, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã chỉ đạo, giao Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) triển khai thí điểm ESCO. Cụ thể, EVNSPC đã phối hợp với đối tác là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (Solar BK) tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu về các giải pháp, lợi ích mà ESCO mang lại cho khách hàng. Các hội thảo đã thu hút hơn 500 khách hàng lớn trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam tham gia; trong đó EVNSPC đã tiếp cận được hơn 100 khách hàng.

EVNSPC đã ký hợp đồng với các khách hành để triển khai chương trình ESCO theo các hình thức như: Hợp đồng chia sẻ tiết kiệm năng lượng và Hợp đồng bảo đảm mức tiết kiệm năng lượng.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm EVN sẽ triển khai thực hiện tối thiểu 50 dự án ESCO (mỗi tổng công ty điện lực thực hiện tối thiểu 10 dự án).

PV: Về phía Bộ Công thương - cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng và TKNL, ông thấy điều gì khó khăn nhất trong quá trình triển khai áp dụng mô hình dịch vụ năng lượng ESCO tại Việt Nam?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Theo tôi, điều khó khăn nhất khi triển khai áp dụng ESCO tại Việt Nam là việc thiếu cơ chế, hỗ trợ tài chính cho việc phát triển và triển khai dự án, chưa có quy định bắt buộc về việc đầu tư cho tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.

Thời gian qua, chúng ta đã nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các tổ chức nước ngoài đối với mô hình dịch vụ năng lượng ESCO. Cụ thể, Nghị định 21 hướng dẫn thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã quy định các cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động TKNL và ESCO (Điều 27, Điều 28) đó là: Các dự án đầu tư sản xuất phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng; đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng được hỗ trợ theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư và ưu đãi đầu tư; Hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng; phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo và kiểm toán năng lượng: Ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn, đất đai để xây dựng cơ sở sản xuất các sản phẩm TKNL; Miễn giảm thuế nhập khẩu theo quy định đối với phương tiện, thiết bị, phụ tùng, linh kiện TKNL mà trong nước chưa sản xuất được; Hỗ trợ một phần kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với cơ sở sử dụng năng lượng thực hiện kiểm toán năng lượng.

Ngân hàng thế giới cũng hỗ trợ chúng ta khi giới thiệu dự án “Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn và một số buổi hội thảo, đào tạo đang được triển khai. Dự án nhằm phổ biến Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm và mô hình dịch vụ năng lượng ESCO tại Việt Nam. Từ nay đến tháng 6 năm 2017, chúng tôi sẽ tổ chức 03 hội thảo về ESCO tại 3 miền, đây là cơ hội cho các ESCO tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp từ đó trao đổi cụ thể về nhu cầu, dịch vụ cung cấp.

PV: Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để mô hình này đi vào thực tiễn có hiệu quả?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Để mô hình ESCO đi vào thực tiễn có hiệu quả, Bộ Công Thương cần hoàn thiện về thể chế/chính sách thúc đẩy ESCO: ban hành hướng dẫn thực hiện dự án theo mô hình ESCO, xây dựng Hợp đồng mẫu EPC; xây dựng các tiêu chí thành lập công ty ESCO; tham vấn chi tiết các quy định về ưu đãi đầu tư hiện hành v,v... ; Phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan để xây dựng cơ chế tài chính bền vững: vay lãi suất thấp, gây quỹ, và quỹ bảo lãnh; thiết lập các kênh hợp tác với các tổ chức tài trợ và các quỹ; Xây dựng mô hình liên kết tài chính giữa doanh nghiệp - công ty ESCO và các tổ chức tín dụng; Trao quyền tự chủ về tài chính cho các Tổ chức tư vấn/dịch vụ TKNL tại địa phương; xây dựng cơ chế phân bổ nguồn lực từ các quỹ đầu tư cho các tổ chức tư vấn/dịch vụ để đầu tư vào các dự án TKNL; Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực: cung cấp thông tin/ đào tạo cho các tổ chức tài chính về cách thức và cấp vốn cho hoạt động ESCO.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông! 



Nguồn tin: baomoi.com
 
40 năm 
Giải phóng Quảng Trị
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án lắp đặt hệ thống đèn LED cho các tàu đánh bắt xa bờ 
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không