Theo đó,xăng dầu RON 92 tăng 304 đồng/lít, xăng E5 tăng 301 đồng/lít, dầu diesel tăng 163 đồng/lít, dầu hoả tăng 344 đồng/lít, dầu madut tăng 275 đồng/kg. Sau khi tăng giá như trên, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu lần lượt là: xăng RON 92 có giá không cao hơn 16.675 đồng/lít, xăng E5 không cao hơn 16.522 đồng/lít, diesel 12.672 đồng/lít, dầu hoả 11.209 đồng/lít và dầu madut 9.962 đồng/kg.

Việc tăng giá xăng dầu lần này, theo lãnh đạo Petrolimex, xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (NĐ 83) và các văn bản hướng dẫn thi hành NĐ 83 của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.

Quyết định về giá bán xăng dầu số 546/PLX-QĐ-TGĐ do Phó tổng giám đốc Petrolimex Phạm Đức Thắng ký ban hành đã được gửi đến tất cả các đơn vị thành viên Petrolimex và báo cáo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu.

Các đơn vị thành viên Petrolimex khi ban hành quyết định giá bán lẻ xăng dầu trên hệ thống phân phối của mình phải gửi Quyết định giá đã ban hành về Sở Công Thương tỉnh/thành phố và Tập đoàn để báo cáo.

Theo văn bản số 11674/BCT-TTTN của Bộ Công Thương về việc điều hành kinh doanh xăng dầu, mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) từ 19 giờ 00 ngày 05.12.2016, cụ thể như sau:

 

(Nguồn: Petrolimex)

Trên thị trường thế giới, tuần qua, giá dầu thế giới ghi nhận tuần giảm đầu tiên trong bốn tuần, trước thống kê cho thấy nguồn cung vẫn rất dồi dào.

Bên cạnh đó, mối lo ngại về sức ảnh hưởng của thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các nhà sản xuất lớn cũng tác động đến tâm lý của nhà đầu tư.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (5/12), giá dầu thế giới nối dài đà tăng do giới giao dịch hy vọng quyết định cắt giảm sản lượng khai thác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ giúp cán cân cung - cầu dầu mỏ thế giới sớm cân bằng trở lại.

Hôm 30/11, các nước OPEC đã đạt được một thỏa thuận cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày bắt đầu từ ngày 1/1/2017.

Sang phiên giao dịch ngày 6/12 giá dầu thế giới đã giảm lần đầu tiên kể từ sau thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC hôm 30/11, do thị trường lo ngại sản lượng dầu kỷ lục của OPEC và phản ứng của các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ có thể làm "suy yếu" thỏa thuận này.

Sản lượng dầu mỏ của OPEC xác lập mức cao kỷ lục mới trong tháng 11/2016 là 34,19 triệu thùng/ngày, từ mức 33,82 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2016. Trong khi đó, sản lượng dầu của Nga trong cùng tháng đạt 11,21 triệu thùng/ngày, mức cao nhất trong gần 30 năm qua.

Điều này có nghĩa là chỉ riêng OPEC và Nga đã đáp ứng được một nửa nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu, hiện vào khoảng trên 95 triệu thùng/ngày.

Giá dầu thế giới tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày 7/12 do số liệu về lượng dầu dự trữ của Mỹ và tâm lý hoài nghi rằng lượng dầu cắt giảm như cam kết của OPEC và Nga là chưa đủ để chấm dứt tình trạng dư cung đã ám ảnh thị trường hơn hai năm qua.

Theo ông Matt Smith, Giám đốc phụ trách nghiên cứu hàng hóa thuộc nhà cung cấp dữ liệu năng lượng ClipperData, thị trường ngày càng hoài nghi về khả năng các nước ngoài OPEC có thể cắt giảm 600.000 thùng/ngày như kỳ vọng của khối này.

Giá dầu lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch ngày 8/12, trong bối cảnh thị trường lạc quan về triển vọng các nhà sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC sẽ cắt giảm sản lượng sau khi tổ chức này quyết định hạn chế khai thác "vàng đen".

Trong phiên giao dịch ngày 9/12, giá dầu thế giới tiếp tục đi lên, trước những kỳ vọng của các nhà đầu tư vào cuộc họp của OPEC sẽ diễn ra ngày 10/12 tại Vienna (Áo). Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ New York tăng 66 xu Mỹ (1,3%) lên 51,50 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc tăng 44 xu Mỹ (0,82%) lên 54,33 USD/thùng.

Hiện các nhà đầu tư đang nóng lòng chờ đợi kết quả cuộc họp ngày 10/12 của các nhà sản xuất dầu trong và ngoài OPEC. Trước đó, các thành viên OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong nửa đầu năm 2017. OPEC hy vọng thuyết phục được các nhà sản xuất ngoài OPEC giảm sản lượng 600.000 thùng/ngày.

Nga dự kiến gánh vác một nửa mức giảm của các nhà sản xuất ngoài OPEC, song Moskva ngày 9/12 nói rằng còn nhiều vấn đề cần được giải quyết trước khi có thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng, vì hiện chưa có nước nào bày tỏ thiện chí chia sẻ mức giảm còn lại.