(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Thực hiện các giải pháp sau kiểm toán năng lượng – vấn đề cần được quan tâm

Thứ ba - 10/12/2019 08:06 - Đã xem: 2206
Quy định về kiểm toán năng lượng
Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số 50/2010/QH12) được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 06 năm 2010 quy định việc Kiểm toán năng lượng là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện 3 năm một lần đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Các cơ sở khác được Nhà nước khuyến khích định kỳ tổ chức kiểm toán năng lượng và báo cáo tình hình sử dụng năng lượng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương là Sở Công Thương. Quy trình, nội dung và mẫu báo cáo Kiểm toán năng lượng được quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-BCT, ngày 20 tháng 4 năm 2012, của Bộ Công Thương quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng.

Danh sách các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm được Thủ tướng ký quyết định ban hành hàng năm bao gồm các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đơn vị vận tải có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi là 1.000 tấn dầu tương đương (1000 TOE) trở lên; và, các công trình xây dựng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở, cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao, khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra 500 tấn dầu tương đương (500 TOE) trở lên. Theo tiêu chí này, năm 2016, cả nước có 2113 đơn vị sử dụng năng lượng trong điểm, trong đó công nghiệp có 1874 đơn vị, công trình xây dựng 456, giao thông vận tải 54, nông nghiệp 29 đơn vị.

Đối với các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm, nếu vi phạm kiểm toán năng lượng sẽ bị xử phạt. Điều 19 Nghị định 134/2013/NĐ-CP, ngày 17 tháng 10 năm 2013, của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đầy đủ nội dung của báo cáo kiểm toán theo biểu mẫu quy định và phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kiểm toán năng lượng. 

Ngoài kiểm toán năng lượng, trách nhiệm của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm còn phải xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng năm và 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp với kế hoạch sản xuất, kinh doanh; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng chế độ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

Khó khăn trong thực hiện các giải pháp sau kiểm toán và nguyên nhân
Kiểm toán năng lượng là một yêu cầu bắt buộc theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên, kiểm toán năng lượng cũng là một hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng năng lượng, đặc biệt là các đơn vị sử dụng nhiều năng lượng. Kiểm toán năng lượng giúp các đơn vị nắm rõ hiện trạng sử dụng năng lượng, hệ thống quản lý và tiêu thụ năng lượng, xác định những khu vực sử dụng năng lượng chưa hợp lý... Trên cơ sở đó, đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng, xây dựng chương trình tiết kiệm năng lượng tổng thể cho doanh nghiệp và dự toán chi phí đầu tư thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm chi phí vận hành và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. 
Mặc dù kiểm toán năng lượng mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của kiểm toán năng lượng, còn coi kiểm toán năng lượng chỉ là hoạt động đối phó với các quy định của nhà nước. Chính vì thế, chỉ khi nào bị Sở Công Thương nhắc nhở bằng văn bản doanh nghiệp mới triển khai thực hiện kiểm toán năng lượng. Địa phương nào cơ quan nhà nước đôn đốc quyết liệt thì tỷ lệ doanh nghiệp trong diện phải kiểm toán năng lượng bắt buộc ở địa phương đó cao hơn.

Với nhiều doanh nghiệp đã kiểm toán năng lượng, việc triển khai các giải pháp đề xuất trong báo cáo kiểm toán năng lượng cũng chưa được chú trọng thực hiện. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này.
Trước hết, đó là nhận thức của doanh nghiệp về thực thi các nghĩa vụ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng nhưng tầm quan trọng của việc phải việc thực hiện nghĩa vụ này. Doanh nghiệp chưa xem thực hiện các giải pháp để tiết kiệm năng lượng là một ưu tiên, vì thế khi thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng có phát sinh kinh phí đầu tư thì nhiều doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư thay thế các thiết bị khi chúng còn đang có thể tận dụng để sử dụng. Bên cạnh đó, một số giải pháp TKNL khi thực hiện có thể ảnh hưởng đến sự vận hành liên tục của dây chuyền hoặc nhà máy cũng khiến các doanh nghiệp không muốn hoặc trì hoãn triển khai.
Nguồn kinh phí cho vay để đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng còn hạn chế, không có sự khuyến khích hơn so với vay thương mại. Các nội dung khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng không rõ ràng. Các chính sách và cơ chế của nhà nước khuyến khích cho các doanh nghiệp thực hiện tốt các mục tiêu về TKNL trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã không được tiếp tục thực hiện kể từ đầu năm 2016. 
Việc giám sát thực hiện các quy định của nhà nước về thực hiện các giải pháp TKNL đối với các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm còn thiếu chặt chẽ và đồng bộ. Chất lượng các báo cáo kiểm toán năng lượng chưa được các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, đánh giá; hầu hết chỉ nhận báo cáo kiểm toán năng lượng do doanh nghiệp giao nộp là xong. Việc giám sát doanh nghiệp triển khai thực hiện các giải pháp như đã được xác định trong kiểm toán năng lượng gần như còn bỏ trống. Thống kê từ nhiều địa phương cho thấy, hầu như chưa có đơn vị nào bị phạt vì chưa kiểm toán năng lượng hoặc không thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng theo kế hoạch. Hình thức xử lý cao nhất tính đến hiện tại được áp dụng là nhắc nhở và gửi công văn đôn đốc.

Năng lực và kỹ năng của các đơn vị tư vấn kiểm toán năng lượng còn hạn chế, trên thực tế đang tồn tại sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị tư vấn kiểm toán năng lượng. Chính vì thế, chất lượng kiểm toán không đảm bảo, ít thuyết phục được doanh nghiệp về tính chính xác và hiệu quả các giải pháp đưa ra trong báo cáo kiểm toán năng lượng, điều này cũng làm cho doanh nghiệp không quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp đề xuất trong báo cáo kiểm toán năng lượng...
Các doanh nghiệp tham gia lễ ký kết Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Bài học từ Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm​

Trong khuôn khổ “Dự án tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn” do Ngân hàng Thế giới và Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, tháng 01/2016 Bộ Công Thương đã phê duyệt triển khai “Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Chương trình được thực hiện trong 2 năm từ 2016 đến 2017, có 7 doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận tham gia Chương trình với Bộ Công Thương. Tất cả đều là các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm, gồm: Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam, Công ty TNHH Sản phẩm Ricoh Imaging, Công ty Cổ phần Việt Nam Food, Công ty Cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa – Miliket, Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Huê, Chi nhánh công ty CP Sữa Việt Nam - Nhà máy Sữa Sài Gòn. 
Ký kết tham gia Chương trình, các doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán năng lượng. Dựa trên kết quả kiểm toán năng lượng, các doanh nghiệp đã xây dựng mục tiêu tiết kiệm năng lượng, lập kế hoạch 1 năm và 5 năm để triển khai các giải pháp được đề xuất trong báo cáo kiểm toán năng lượng… 
Việc triển khai thực hiện các giải pháp sau kiểm toán năng lượng của các doanh nghiệp tham gia chương trình được xem là rất tích cực. Kết quả sau 2 năm, các công ty đã thực hiện hầu hết các giải pháp được đề xuất trong báo cáo kiểm toán năng lượng mà công ty cam kết. Tổng năng lượng tiết kiệm hàng năm từ 7 doanh nghiệp tham gia đạt được gồm: 1,27 triệu kWh điện/năm, 1.440 tấn than cám, 260.682 tấn củi, 1.727 tấn hơi tương đương với 91.072.654 MJ/năm và 9.247 tấn CO2.  
Đánh giá từ Chương trình cho thấy, sở dĩ các doanh nghiệp triển khai các giải pháp sau kiểm toán năng lượng một cách tích cực là do việc kiểm toán năng lượng được thực hiện nghiêm túc, đánh giá được đúng hiện trạng sử dụng năng lượng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng và các giải pháp tiết kiệm năng lượng mà doanh nghiệp cần triển khai thực hiện, chính vì thế đã thuyết phục được doanh nghiệp thực hiện các giải pháp đã đưa ra. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, Ban quản lý dự án và đơn vị tư vấn cũng thường xuyên đôn đốc, giám sát đối với việc triển khai các thỏa thuận đã ký của doanh nghiệp. Một yếu tố có vai trò rất quan trọng khác đó là các doanh nghiệp tham gia chương trình này nhận được gói khuyến khích về vật chất cũng như tinh thần từ dự án và Bộ Công Thương bao gồm: hỗ trợ kiểm toán năng lượng, đào tạo tăng cường năng lực, được quảng bá thương hiệu, được nhận chứng nhận tham gia chương trình.... 
Gói hỗ trợ tuy không nhiều nhưng cũng là động lực để doanh nghiệp tham gia chương trình và thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại đơn vị.

 
Thay lời kết
Kiểm toán năng lượng là một quy định bắt buộc và được xem là hoạt động giúp doanh nghiệp đánh giá được hiện trạng sử dụng năng lượng cũng như xác định các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, hoạt động này sẽ không có nhiểu ý nghĩa nếu doanh nghiệp không triển khai thực hiện các giải pháp được xác định trong kiểm toán năng lượng. Không có giải pháp được thực hiện đồng nghĩa với không có tiết kiệm năng lượng. Do đó, ngoài việc tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, cần thiết phải tăng cường quản lý nhà nước về việc triển khai các giải pháp TKNL sau kiểm toán năng lượng thông qua việc thực hiện cơ chế giám sát, báo cáo một cách chặt chẽ; áp dụng điều khoản xử phạt và công bố công khai doanh nghiệp không thực thi nghiêm túc các quy định về kiểm toán năng lượng cũng như các quy định về sử dụng năng lượng TK&HQ; quản lý tốt việc thực hiện dịch vụ kiểm toán năng lượng, thắt chặt cấp chứng chỉ kiểm toán năng lượng và hoạt động của các đơn vị kiểm toán năng lượng. Ngoài ra, cần có các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, bao gồm các khuyến khích vật chất hoặc phi vật chất...
 
Mai Văn Huyên
Trung tâm Phát triển xanh

Nguồn tin: vecea.vn/
 
40 năm 
Giải phóng Quảng Trị
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án lắp đặt hệ thống đèn LED cho các tàu đánh bắt xa bờ 
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không