(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Dự án TANAP và an ninh năng lượng châu Âu

Thứ hai - 24/04/2017 22:20 - Đã xem: 3795
Tuyến đường ống dẫn khí đốt Trans - Anatolian (TANAP) của châu Âu đi qua Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một dấu mốc quan trọng khi hoạt động xây dựng hoàn thành được một nửa vào cuối năm 2016. Điều này góp phần đẩy nhanh mục tiêu hoàn thiện Dự án “Hành lang khí đốt phương Nam”, cũng như giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung khí đốt của Nga.

Nếu thành công như kế hoạch, hành lang trên sẽ vận chuyển khối lượng đáng kể khí đốt từ khu vực Caspi tới thị trường châu Âu thông qua một mạng lưới các đường ống dẫn không đi qua Nga. Và có lẽ điều quan trọng hơn đối với châu Âu là tiến triển của dự án này sẽ tạo ra xu hướng mới cho những thay đổi sâu rộng đang diễn ra trên các thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu.

Sản lượng khí đốt tự nhiên toàn cầu gia tăng, các cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt mới được xây dựng ngày càng nhiều, giá khí đốt tự nhiên giảm, tăng trưởng trong hoạt động giao thương khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã giúp các nhà nhập khẩu khí đốt châu Âu có được nhiều quyền lựa chọn hơn. Điều này đồng thời làm giảm ảnh hưởng của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga, cũng như tạo ra những thay đổi đối với an ninh năng lượng châu Âu trong những năm tới.

du an tanap va an ninh nang luong chau au
Bản đồ Dự án “Hành lang khí đốt phương Nam”

Tại sao Dự án TANAP lại rất quan trọng? Câu trả lời bắt nguồn từ cả nguyên nhân chính trị cũng như vấn đề năng lượng.

Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng dự án này để không phụ thuộc vào nguồn khí đốt do Nga kiểm soát và tránh các cuộc khủng hoảng năng lượng có thể phát sinh. Họ không muốn lặp lại kịch bản như khi Gazprom cắt nguồn cung khí đốt cho khu trung tâm trung chuyển khí đốt của châu Âu ở Ukraina trong mùa đông lạnh giá năm 2009, dẫn tới gián đoạn nguồn cung nhiên liệu sưởi ấm của các nước thành viên EU như Hungary, Romania và Ba Lan.

Quan hệ giữa Brussels và Moskva trở nên xấu đi do những bất đồng trong cuộc khủng hoảng Ukraina. Ngoài ra, triển vọng Nga bỏ qua cơ sở trung chuyển Ukraina bằng cách xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” cũng làm dấy lên lo ngại về những ảnh hưởng của dự án này đối với EU.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, “Hành lang khí đốt phương Nam” sẽ vận chuyển khoảng 10 tỉ m3 khí đốt tự nhiên từ mỏ khí Shah Deniz II của Azerbaijan đến Albania, Italia, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Đến năm 2026, con số này sẽ tăng lên 31 tỉ m3.

Đường ống TANAP sẽ đưa khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ - là phân đoạn thứ hai của “Hành lang khí đốt phương Nam”, còn phân đoạn một là đường ống South Caucasus đi qua Azerbaijan và Georgia. Phân đoạn thứ ba là “Đường ống xuyên biển Adriatic” (TAP) kéo dài từ Hy Lạp và Albania đến Italia. Dù vậy, tương lai của dự án này ở Italia có vẻ khá mờ nhạt. Sự phản đối của người dân địa phương về việc đường ống khí đốt này đi qua vùng Puglia của Italia đã gia tăng sau khi Thủ tướng nước này, ông Matteo Renzi từ chức sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp. Tòa án hành chính khu vực Lazio mới đây còn ra phán quyết bác bỏ yêu cầu của Bộ Môi trường Italia về việc bứng dời 221 cây ô liu ở Melendugno, Puglia để lấy chỗ cho công trình xây dựng TAP. Mặc dù những cây ô liu này theo kế hoạch sẽ được trồng lại ở nơi khác, nhưng những nhóm môi trường vẫn phát động biểu tình chống lại việc bứng chuyển, di dời những cây ô liu cổ thụ, đã có đến 2.000 năm tuổi và được coi là biểu tượng của Puglia.

Mặt khác, an ninh năng lượng châu Âu không chỉ phụ thuộc vào “Hành lang khí đốt phương Nam” mà còn gắn liền với những xu thế mới của thị trường khí đốt thế kỷ XXI. Sản lượng khí đốt tự nhiên toàn cầu gia tăng, được thúc đẩy nhờ cuộc cách mạng dầu khí đá phiến của Mỹ, đã tăng 27% trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2015. Điều đó dẫn tới tình trạng dư thừa khí đốt tự nhiên lớn nhất trong một thập niên qua, tổng cộng vào khoảng 70 tỉ m3 trong năm 2015.

Kết quả là giá khí đốt tại nhiều thị trường giảm mạnh. Xuất nhập khẩu LNG đã tăng mạnh với khối lượng LNG trao đổi trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục: 244,8 triệu tấn trong năm 2015.

Các cơ sở hạ tầng khí đốt mới đã được phát triển song song với tăng trưởng nguồn cung và thương mại. Tại châu Âu, các đường ống dẫn khí và cảng giao nhận LNG, đặc biệt là ở phía đông bắc, dù chậm song dần dần làm suy yếu vị thế độc quyền của Nga với đường ống dẫn khí đốt. Vào cuối năm 2014, Lithuania đã khai trương cảng nhập khẩu LNG ở Klaipėda và trong năm 2016, cảng nhập khẩu khí LNG Świnoujście ở Ba Lan cũng nhận được chuyến hàng đầu tiên. Các cảng giao nhận LNG, cùng với những đường ống dẫn khí đốt hiện có và đang trong quá trình xây dựng trong khu vực, cho phép các nước Trung và Đông Âu đa dạng hóa nguồn cung khí đốt ngoài Gazprom.

Dù vậy, Dự án TANAP vẫn đóng vai trò quan trọng đối với các nước phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp từ Gazprom. Trong năm 2015, thị phần của Nga trên thị trường khí đốt tự nhiên của Bulgaria, Slovakia và Hungary dao động từ 70 đến gần 90%. Hơn nữa, kế hoạch xây dựng đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, sẽ đưa khí đốt của Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí tiến sâu hơn vào miền Đông Nam châu Âu, có thể tăng cường sự hiện diện của Gazprom trong khu vực.

“Hàng lang khí đốt phương Nam” một khi hoạt động sẽ thay đổi động lực này. Tuy nhiên, an ninh năng lượng của châu Âu sẽ bị tác động không chỉ bởi những thay đổi đang diễn ra trên thị trường khí đốt toàn cầu, mà còn cả sự hợp tác chặt chẽ của các quốc gia châu Âu trong một liên minh vốn đang bị nhiều yếu tố bất định về tương lai bủa vây. Nếu thiếu sự hợp tác này, các dự án năng lượng của châu Âu hiện tại và tương lai sẽ lại có nguy cơ “chết yểu” như Nabucco.

Hành lang khí đốt phương Nam (SGC) kéo dài trên 3.500km, vượt qua 7 quốc gia và liên quan đến hơn 10 công ty năng lượng lớn, với tổng vốn đầu tư khoảng 45 tỉ USD. Nó bao gồm nhiều dự án năng lượng riêng rẽ như: Phát triển mỏ khí đốt Shah Deniz 2, khoan giếng và khai thác khí ngoài khơi biển Caspi; Mở rộng nhà máy chế biến khí ở Cảng Sangachal trên bờ biển Caspi ở Azerbaijan; 3 dự án đường ống gồm: Đường ống South Caucasus, Trans Anatolian (TANAP), Trans Adriatic (TAP); Mở rộng mạng lưới truyền tải khí đốt ở Italia; Khả năng kết nối thêm với các mạng lưới khí đốt ở Đông Nam, Trung và Tây Âu… Dự kiến, việc xây dựng TANAP sẽ hoàn tất vào năm 2018 và TAP - vào năm 2020.
 


Nguồn tin: petrotimes.vn
 
40 năm 
Giải phóng Quảng Trị
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án lắp đặt hệ thống đèn LED cho các tàu đánh bắt xa bờ 
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không