Mặc dù điều này nghe có vẻ giống như cốt truyện của một bộ phim khoa học viễn tưởng, nhưng đó là một ý tưởng mà các nhà khoa học đưa ra trong một cuộc thi do Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) tổ chức, theo BBC.
Để các phi hành gia sống tại căn cứ dài hạn trên sao Hỏa, họ sẽ cần tìm năng lượng để tồn tại. Các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan cho rằng, việc sử dụng một con diều khổng lồ do robot bay để khai thác tốc độ gió cao trên sao Hỏa có thể cung cấp đủ năng lượng cho một số phi hành gia trong công việc hàng ngày của họ.
Sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo trên sao Hỏa không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Sao Hỏa ở xa mặt trời hơn Trái đất, vì vậy nó chỉ nhận được 43% ánh sáng mặt trời mà Trái đất có, khiến năng lượng mặt trời kém hiệu quả hơn.
Ngoài ra, việc gửi các công nghệ như tuabin gió và pin thông thường từ Trái đất lên sao Hỏa là không thể vì chúng quá nặng.
Do đó, các nhà khoa học đã đưa ra một phương pháp tạo ra năng lượng hoàn toàn mới, bằng robot thả diều.
Roland Schmehl tại Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan và các đồng nghiệp của ông đã đề xuất kỹ thuật bất thường này vì gió trên sao Hỏa trung bình nhanh hơn trên Trái đất mặc dù bầu khí quyển không dày đặc bằng.
Schmehl nói: “Tốc độ gió cao hơn và bầu khí quyển mỏng hơn ở một mức độ nào đó sẽ cân bằng, nhưng không hoàn toàn, vì vậy chúng tôi cũng cần phải tăng diện tích bề mặt của cánh diều một cách đáng kể”.
Ông nói thêm: "Chúng tôi đã thấy thứ gì đó tương tự với chiếc trực thăng Ingenuity đang bay trên sao Hỏa - chiếc trực thăng này có cánh quạt lớn hơn nhiều so với những chiếc máy bay không người lái nhỏ mà bạn thấy ở đây trên Trái đất".
Theo ý tưởng của các nhà khoa học Hà Lan, con diều sẽ có diện tích bề mặt khá lớn là 50 mét vuông. Nó sẽ được gắn vào một cái trống lớn trên mặt đất bằng một sợi dây cáp, và khi con diều bay lên bầu trời sao Hỏa, nó sẽ kéo thêm sợi dây làm quay chiếc trống và tạo ra năng lượng!
Các nhà nghiên cứu cũng đề xuất sử dụng 70 mét vuông pin mặt trời - chuyển đổi ánh sáng thành điện năng.
Theo nhóm nghiên cứu, việc kết hợp hai phương pháp này sẽ cung cấp đủ năng lượng để duy trì một căn cứ trên sao Hỏa, vì vậy các phi hành gia có thể có năng lượng vào ban đêm và tích trữ năng lượng cho các mùa khác nhau.
Và đó không phải là tất cả. Nhóm nghiên cứu dự đoán một giải pháp năng lượng ngắn hạn thông qua việc sử dụng pin lithium-lưu huỳnh và một hệ thống lưu trữ lâu dài hơn. Hệ thống này sẽ có thể thực hiện được bằng cách nén khí carbon dioxide từ khí quyển của sao Hỏa trong các hang dưới lòng đất - khí này sau đó có thể được giải nén để lấy lại năng lượng đã được lưu trữ.
Toàn bộ hệ thống có thể cung cấp năng lượng khoảng 127 megawatt giờ mỗi năm - tương đương với năng lượng của khoảng 75 thùng dầu.
Schmehl nói: “Nếu như ở Trái đất, nó sẽ cung cấp năng lượng cho khoảng 20 hộ gia đình ở Hà Lan hoặc khoảng 5 hộ gia đình ở Mỹ. Căn cứ trên sao Hỏa về cơ bản là một hộ gia đình, 4-5 phi hành gia với một phòng thí nghiệm nhỏ".