(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp

Thứ hai - 30/05/2016 00:38 - Đã xem: 4433
Từ kinh nghiệm quốc tế và các bài học trong quản lý môi trường ở nước ta 20 năm qua, các nhà khoa học đã đề xuất nhiều biện pháp để kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm công nghiệp.


Cần áp dụng nhiều biện pháp để ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp (ảnh minh họa)

Các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp cần được thực hiện theo trình tự từ nhóm 1 đến 6; các nhóm giải pháp 7 và 8 là hỗ trợ quan trọng. Theo đó các nhóm giải pháp về phòng ngừa ô nhiễm cần ưu tiên thực hiện trước, các giải pháp về xử lý là bước tiếp theo khi phòng ngừa chưa đạt hiệu quả.

Nhóm giải pháp 1: Phòng tránh các tác động xấu

Đây là giải pháp quan trọng giúp cho các cơ quan chức năng quyết định liệu có nên cấp phép cho dự án công nghiệp hoặc khai khoáng đó hay không qua việc xem xét lựa chọn vị trí dự án tránh gây tổn thất cho các hệ sinh thái hoặc kinh tế - xã hội và lựa chọn công nghệ dự án thân thiện môi trường. Muốn vậy công tác đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải được cải thiện, đảm bảo: có tính khoa học, tính tập trung, tính khả thi, tính công khai và có sự tham gia của các bên liên quan. Đây là điều còn rất hạn chế trong ĐMC, ĐTM hiện nay.

Nhóm giải pháp 2:Ngăn ngừa: ngăn ngừa, hạn chế phát sinh chất thải công nghiệp

Nhóm này bao gồm các giải pháp chính:

- Hạn chế phát triển các nhóm ngành có nguy cơ cao gây ô nhiễm, suy thoái môi trường cao; từng bước xây dựng hạ tầng, môi trường pháp lý thuận lợi cho nền kinh tế xanh (kinh tế ít cacbon); có các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ khu vực kinh tế xanh phát triển.

- Áp dụng rộng rãi các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm “trước đường ống” trước hết đối với các công ty, dự án lớn: công nghệ sạch hơn; kiểm toán chất thải; kiểm toán năng lượng; kiểm toán môi trường…

- Xây dựng và áp dụng các chính sách ưu đãi về tài chính, thuế, xuất khẩu để khuyến khích các doanh nghiệp thân thiện môi trường.

Nhóm giải pháp 3: Bảo vệ: bảo vệ sức khỏe và môi trường khỏi các tác động xấu do ô nhiễm công nghiệp

Nhóm này bao gồm các giải pháp chính:

- Quy hoạch các KCN, CCN, các cơ sở công nghiệp xa các vùng nhạy cảm sinh thái và xã hội;

- Xây dựng và triển khai “chương trình quản lý môi trường” đối với tất cả các dự án công nghiệp;

- Triển khai công tác giám sát, quan trắc môi trường trong các giai đoạn xây dựng và vận hành các dự án công nghiệp nhằm phát hiện sớm mức độ ô nhiễm, vùng có thể bị ô nhiễm và lập kế hoạch bảo vệ các hệ sinh thái và sức khỏe nhân dân trong vùng;

- Triển khai các biện pháp an toàn cho công nhân và nhân dân vùng có thể bị ảnh hưởng do ô nhiễm công nghiệp.

Nhóm giải pháp 4: Giảm thiểu các tác động xấu do ô nhiễm công nghiệp khi không thể tránh được

Nhóm này bao gồm các giải pháp chính:

- Tăng cường phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp về các quy định pháp luật về BVMT, KSÔN, các QCVN; tăng cường năng lực và phẩm chất đạo đức cán bộ thanh tra, giám sát môi trường nhằm đảm bảo xử lý khách quan, đúng mức các doanh nghiệp vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm môi trường.

- Phát triển các công nghệ xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường công nghiệp: xử lý tại nguồn và xử lý vùng bị ô nhiễm. Xây dựng và triển khai các chính sách phát triển ngành “công nghiệp môi trường” của Việt Nam nhằm đáp ứng phần lớn các nhu cầu xử lý chất thải công nghiệp.

- Quy hoạch, xây dựng và vận hành các trung tâm lưu trữ và xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại tại mỗi tỉnh/TP hoặc liên tỉnh đáp ứng nhu cầu bức bách của các doanh nghiệp công nghiệp.

Nhóm giải pháp 5: Cải tạo: sửa chữa, khắc phục các tổn thất về môi trường; khôi phục về trạng thái ban đầu các thành phần môi trường đã bị tác hại do ô nhiễm công nghiệp.

Nhóm này bao gồm các giải pháp chính buộc chủ doanh nghiệp phải thực hiện, có sự giám sát của cơ quan quản lý môi trường:

- Thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp hoàn thổ (đối với các công ty khai thác khoáng sản); các biện pháp xử lý môi trường sau khi tháo dỡ, kết thúc dự án công nghiệp;

- Triển khai các nghiêm chỉnh các biện pháp cải tạo môi trường vùng bị ô nhiễm do chất thải công nghiệp hoạt động

- triển khai các nghiêm chỉnh các biện pháp khôi phục về trạng thái ban đầu các thành phần môi trường đã bị tác hại do ô nhiễm công nghiệp.

Nhóm giải pháp 6: Đền bù tổn thất về môi trường, sức khỏe công nhân, cộng đồng bị ảnh hưởng nếu các các tác động do ô nhiễm công nghiệp vẫn chưa được khắc phục

Nhóm này bao gồm các giải pháp chính buộc chủ doanh nghiệp phải thực hiện, có sự giám sát của cơ quan quản lý môi trường:

Đền bù thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường: thí dụ các doanh nghiệp khai thác titan phải bồi thường về hậu quả gây xâm nhập mặn, gây cát bay, cát nhảy ảnh hưởng đến đời sống nhân dân địa phương; các doanh nghiệp gây tác hại đến nguồn lợi thủy sản do xả thải phải bồi thường tổn thất kinh tế cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng (như trường hợp Công ty Vedan).

Nhóm giải pháp 7: Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho kiểm soát ô nhiễm công nghiệp

Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư nhằm thu hút tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực với cơ chế khuyến khích hợp lý, nhằm ngăn ngừa, khắc phục, xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bị ô nhiễm là giải pháp tài chính quan trọng.

- Tất cả doanh nghiệp công nghiệp phải tự bỏ vốn để bảo vệ môi trường và khắc phục ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất, kinh doanh gây ra. Nhà nước xem xét hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện nhiệm vụ này theo hình thức hỗ trợ có mục tiêu cho từng nhiệm vụ, dự án cụ thể.

- Ngân sách nhà nước đầu tư để ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm công nghiệp và quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng về quản lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại cho từng tỉnh hoặc liên tỉnh.

Nhóm giải pháp 8: Tăng cường hợp tác giũa các doanh nghiệp, các địa phương và hợp tác quốc tế về kiểm soát ô nhiễm công nghiệp

- Mở rộng hợp tác với các tỉnh trong từng lưu vực sông, từng vùng kinh tế trong giải quyết các vấn đề kiểm soát ô nhiễm;

- Tăng cường hợp tác với các tổ chức, công ty quốc tế và các quốc gia có nền công nghiệp môi trường tiên tiến nhằm học tập kinh nghiệm, tranh thủ nguồn lực về tài chính và KHCN trong kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

Trên đây là một số giải pháp chính theo chúng tôi là quan trọng, thiết thực và hiệu quả cho công tác ngăn ngừa, giảm thểu ô nhiễm do hoạt động công nghiệp, khai thác khoáng sản ở nước ta trong giai đoạn 2016 - 2020.

PGS.TS. Lê Trình (Viện Khoa học Môi trường và Phát triển)


Nguồn tin: baoxaydung.com.vn
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không