An ninh năng lượng không chỉ vấn đề nguồn cung, mà là mối quan hệ hai chiều giữa cung và cầu. Lâu nay, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn phải đương đầu với việc giải quyết vấn đề tăng nguồn cung, nhưng sẽ không bao giờ là đủ.
Đó là quan điểm của PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Theo ông Thiên, dư địa quan trọng nhất để đảm bảo an ninh năng lượng là tập trung vào phía tiêu dùng điện hiệu quả. Bởi nếu chỉ ra sức sản xuất, trong khi tiêu thụ lãng phí, thì ngành điện luôn trong tình trạng thiếu hụt.
“Cần đặt ra cơ chế sàng lọc dự án đầu tư chặt chẽ hơn, đưa tính hiệu quả sử dụng năng lượng vào tiêu chuẩn xét duyệt dự án đầu tư”, ông Trần Đình Thiên nêu quan điểm.
Việt Nam tiếp tục được nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn để đầu tư. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng đầu năm 2019, đã có 16,74 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam.
“Tuy nhiên, chúng ta chưa đủ bộ lọc dự án chất lượng”, PGS-TS. Trần Đình Thiên nói và bổ sung, cơ cấu phát triển nguồn điện hợp lý cũng là giải pháp an ninh năng lượng.
Trên thực tế, thủy điện dù có giá thấp nhất trong các loại nguồn điện (khoảng 1.000 đồng/kWh), nhưng về cơ bản đã khai thác hết các nguồn thủy điện lớn và vừa. Trong khi đó, các dự án điện hạt nhân bị dừng. Chi phí điện từ nhiệt điện khí cao, phụ thuộc vào nhập khẩu, nhiệt điện than thì nhiều người dân không ủng hộ, điện từ năng lượng tái tạo thì hoạt động không ổn định, phụ thuộc thời tiết cũng như chưa có cơ chế phù hợp.
Ông Nguyễn Quốc Minh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Chiến lược phát triển EVN cho biết, Bộ Công thương trình đã Thủ tướng Chính phủ cơ chế phát triển điện mặt trời thay Quyết định 11/2017/QĐ-TTg. Lý do, Quyết định 11 chỉ đưa ra giá điện tính cho dự án đưa vào vận hành trước ngày 30/6/2019, còn từ sau ngày 1/7/2019, các dự án điện mặt trời tính theo cơ chế nào còn chưa rõ.
Hiện, EVN và các đơn vị thành viên đang triển khai đầu tư 15 dự án nguồn điện. Trong đó đang thi công xây dựng 4 dự án (khoảng 1.560 MW) dự kiến hoàn thành phát điện trong năm nay và triển khai các thủ tục đầu tư 11 dự án nguồn điện với tổng công suất 8.840 MW.
Dù vậy, EVN đang gặp nhiều khó khăn về công tác đầu tư xây dựng liên quan đến việc thu xếp vốn cũng như xác định quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan.
“Sự không thống nhất giữa các văn bản đang làm chậm tiến độ các dự án. Ngoài ra, Thủ tướng đã có chủ trương dừng bảo lãnh vay vốn, EVN sẽ phải tự đầu tư bằng vốn vay thương mại hoặc vốn tự có”, ông Nguyễn Quốc Minh nói.
Vẫn cần phát triển nhiệt điện than
Một số chuyên gia trong ngành điện cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vẫn cần phát triển các nhà máy nhiệt điện than.
PGS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam đồng ý quan điểm này và khẳng định: “Nếu không phát triển nhiệt điện than thì sẽ dẫn tới thiếu điện trầm trọng, thậm chí phải cắt điện”.
Tương tự, TS. Trần Trọng Quyết, Hội Điện lực miền Nam (SEEA) cho rằng, trong cơ cấu phát triển ngành điện thì nhiệt điện than vẫn có vai trò ở các nước ASEAN. Tính từ đầu năm 2016, đã có khoảng 29 GW công suất điện than được xây dựng và sẽ hoàn thành từ năm 2020, trong đó có Việt Nam chiếm công suất lớn nhất (12,9 GW). Đại diện này còn cho rằng, trên thế giới, nhiệt điện than vẫn chiếm xấp xỉ một nửa tổng nguồn điện (từ 40-50%).
Tuy nhiên, tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam tổ chức hồi năm 2017, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc tổ chức CHANGE về nhiệt điện than cho rằng, điện than là ngành công nghiệp phi đạo đức, thế giới hiện nay đang thoái vốn khỏi điện than. “Trên quy mô toàn cầu, trung bình 1 phút có 10 triệu USD được thoái vốn khỏi điện than”, bà Hồng nói.
Về quan điểm này, ông Trần Trọng Quyết nói đây là thông tin không được kiểm chứng, không được các chuyên gia ngành đánh giá hoặc mang tính suy diễn chủ quan.
“Dự tính lượng than trên thế giới sẽ được khai thác và còn dùng được vài trăm năm. Không có lý do gì để lãng phí nguồn vàng đen quý giá này. Vấn đề là dùng như thế nào, với công nghệ gì thì các nhà khoa học đang hướng tới để việc sử dụng không gây ô nhiễm môi trường”, ông Quyết nói.
Cả giai đoạn 15 năm (từ 2016 - 2030), tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành khoảng 78.000 MW, thấp hơn so với dự kiến của Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh trên 17.500 MW, trong đó, chủ yếu thiếu hụt từ năm 2018 - 2022. Hệ thống điện từ chỗ có dự phòng nguồn điện (từ 20 - 30% trong năm 2015 và 2016) thì đến năm 2018 - 2019 hầu như không còn dự phòng và từ năm 2021 - 2025 sẽ rơi vào tình trạng thiếu nguồn cấp điện.
Ông Nguyễn Quốc Minh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Chiến lược phát triển EVN