18 công trình xây mới và cải tạo được lựa chọn để hỗ trợ kỹ thuật các giải pháp TKNL
Bà Hoàng Thị Kim Cúc – Quản đốc Dự án EECB cho biết: Dự án EECB do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ cho Bộ Xây dựng thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), được triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020.
Dự án có mục tiêu dài hạn là cắt giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ ngành Xây dựng ở Việt Nam và mục tiêu trực tiếp là cải thiện việc sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam. Trình diễn và nhân rộng giải pháp công nghệ TKNL trong ngành Xây dựng là một trong 3 hợp phần quan trọng của dự án.
Triển khai hợp phần nói trên, từ năm 2017 đến nay, Dự án EECB đã lựa chọn được 18 công trình trình diễn, trong đó có 8 công trình xây dựng mới, 10 công trình cải tạo để hỗ trợ, tư vấn các giải pháp TKNL.
Đối với công trình xây mới, Dự án EECB hỗ trợ từ giai đoạn thiết kế, thi công, cho đến nghiệm thu, vận hành và theo dõi mức tiêu thụ năng lượng trong vòng một năm.
Đối với công trình cải tạo, các chuyên gia dự án tiến hành kiểm toán tiêu thụ năng lượng của công trình, phân tích và tư vấn các giải pháp công nghệ TKNL phù hợp, bao gồm thời gian hoàn vốn. Sau khi các chủ đầu tư tiếp thu và tiến hành cải tạo công trình, Dự án EECB sẽ lắp đặt hệ thống đo kiểm năng lượng, đo mức độ tiêu thụ năng lượng trong các công trình và so sánh với mức tiêu thụ năng lượng trước đây để xác định hiệu quả mà các giải pháp TKNL đem lại.
Bà Hoàng Thị Kim Cúc kỳ vọng: Thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm triển khai tại các dự án trình diễn, Dự án EECB hy vọng sẽ tăng cường nhận thức về TKNL trong công trình cho các bên liên quan như cán bộ tư vấn thiết kế, thẩm tra, giám sát thi công, quản lý, vận hành và cả người sử dụng công trình…
Bài học từ các dự án trình diễn giải pháp công nghệ TKNL
Hội thảo lần này tập trung đề cập đến các hỗ trợ kỹ thuật, kết quả và các khuyến nghị đối với dự án trình diễn xây mới.
Ông Yannick Millet – chuyên gia Dự án EECB cho biết: Trong giai đoạn thiết kế, chuyên gia Dự án EECB hỗ trợ chủ đầu tư, các đội thiết kế rà soát hồ sơ thiết kế đạt hay không đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2017/BXD).
Trên cơ sở đó, chuyên gia EECB đề xuất giải pháp, khuyến nghị các giải pháp thiết kế kiến trúc, giải pháp lựa chọn vật liệu, thiết bị cơ điện tối ưu, bảo đảm công trình hoàn toàn tuân thủ QCVN 09:2017/BXD, thậm chí vượt yêu cầu của QCVN 09:2017/BXD với mức tiêu thụ năng lượng giảm từ 25% đến 30% so với mô hình cơ sở.
Chuyên gia EECB tiếp tục giám sát trong suốt giai đoạn thi công, chạy thử và vận hành công trình để bảo đảm công trình đạt được các mục tiêu thiết kế và đánh giá các dữ liệu liên quan đến hiệu quả năng lượng trong công trình. Các kết quả đo kiểm sẽ giúp đối chứng với kết quả mô phỏng và đưa ra giải pháp cho việc sử dụng vận hành nhằm tối ưu hóa sử dụng năng lượng.
Trong 8 dự án trình diễn xây mới, tòa nhà văn phòng CONINCO dự kiến sẽ được hoàn thành sớm nhất, đưa vào vận hành trong tháng 10/2019; Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam (thuộc trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị) sẽ hoàn thành trong năm 2020.
Chia sẻ về sự hỗ trợ của Dự án EECB đối với công trình tòa nhà văn phòng CONINCO, Phó Tổng Giám đốc CONINCO, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: Các chuyên gia của EECB đã phối hợp với các chuyên gia của dự án tính toán, mô phỏng năng lượng trong công trình, từ đó lựa chọn các giải pháp kiến trúc nhằm hạn chế tối đa tác động của môi trường tự nhiên từ hướng Tây và tìm các giải pháp TKNL phù hợp cho công trình.
Kết quả thú vị là sau khi áp dụng các giải pháp TKNL mà chuyên gia EECB đề xuất ngay từ giai đoạn thiết kế, dự án không phát sinh thêm chi phí so với tổng dự toán ban đầu. Trong khi đó, theo tính toán, trong quá trình vận hành công trình sau này, chủ đầu tư sẽ tiết kiệm được 48% chi phí về năng lượng so với mô hình thông thường.
Tương tự, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị, ông Bùi Hồng Huế cũng cho biết: Dự án EECB hỗ trợ dự án Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam từ tư vấn thiết kế, tham vấn các giải pháp hiệu quả năng lượng đến hỗ trợ trang bị thiết bị đo đếm năng lượng để đánh giá hiệu quả năng lượng.
Theo tính toán, chi phí cho công trình trình diễn này tăng thêm 3,8% so với trường hợp ban đầu, thời gian hoàn vốn là 7,3 năm. Bù lại, công trình tiết kiệm được 53% năng lượng so với công trình thông thường (không sử dụng giải pháp TKNL) và tiết kiệm được 35% năng lượng so với trường hợp tuân thủ QCVN 09:2017/BXD.
Ông Bùi Hồng Huế cho biết, việc tăng chi phí đối với một dự án đầu tư công không dễ. Tuy nhiên, khi công trình chứng minh hiệu quả TKNL thực tế thì sẽ tạo cơ hội mở đường cho việc triển khai các công trình TKNL được đầu tư bằng nguồn vốn công khác, trong cả nước.
Áp dụng các giải pháp TKNL càng sớm càng hiệu quả
Chia sẻ kinh nghiệm ban đầu từ các dự án trình diễn, ông Yannick Millet cho biết: Để dự án trình diễn triển khai hiệu quả, cần sự vào cuộc quyết liệt của chủ đầu tư trong chỉ đạo đội ngũ thiết kế, thi công, giám sát… tham gia thực hiện dự án. Việc áp dụng các giải pháp TKNL cần bắt đầu ở giai đoạn thiết kế sớm nhất để đảm bảo hiệu quả chi phí của dự án.
Đề cập các thách thức và cơ hội trong phát triển các dự án TKNL, ông Yannick Millet cho rằng, ở khía cạnh chính sách, luật pháp, cần thúc đẩy thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua tăng cường cơ chế khuyến khích phát triển công trình TKNL cũng như bổ sung các chế tài thưởng phạt nghiêm minh. Đầu tư công phải đi tiên phong và Nhà nước cần thông qua cơ chế công trình xanh tự nguyện nhằm đẩy mạnh phát triển công trình TKNL, công trình xanh.
Ở khía cạnh kỹ thuật, ông Yannick Millet khuyến nghị nên tập trung vào những yêu cầu cốt lõi QCVN 09:2017/BXD, mạnh dạn bỏ đi một số yêu cầu không cần thiết; Xây dựng cơ chế dán nhãn công trình hiệu quả năng lượng…
Bên cạnh đó, cần triển khai tập huấn dài hạn về QCVN 09:2017/BXD, thiết kế tích hợp năng lượng và các công cụ mô hình; Nhân rộng, phổ biến các trường hợp công trình trình diễn và kinh doanh; Phổ biến, cập nhật các sản phẩm và thiết bị xanh, hiệu quả năng lượng quốc gia đã được công bố tại địa chỉ tietkiemnangluong.xaydung.gov.vn…
Trong khuôn khổ hội thảo “Sử dụng hiệu quả năng lượng trong công trình cao tầng – Dự án trình diễn, bài học kinh nghiệm, cơ hội và thách thức” tại Tuần lễ Kiến trúc xanh Việt Nam 2019, Dự án EECB đã tổ chức cho các đại biểu tham quan thực tế dự án trình diễn – tòa nhà văn phòng CONINCO và trụ sở các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, Tòa nhà One UN – công trình đạt chứng chỉ Xanh Lotus Bạch kim đầu tiên của Việt Nam vào năm 2017. |