Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu BloombergNEF công bố ngày 31/1, trong năm 2022, tổng số vốn đầu tư cho ngành năng lượng xanh đã vượt 1.000 tỷ USD.
Đây là lần đầu tiên số vốn rót vào các lĩnh vực như xe điện, năng lượng tái sinh, hạt nhân hoặc các dự án tái chế vượt các khoản chi tiêu cho nhiên liệu hóa thạch.
Báo cáo khẳng định đây là tiến bộ nhất định trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu của toàn thế giới, song BloombergNEF cho rằng các khoản đầu tư cho công nghệ chuyển đổi năng lượng cần nhanh chóng tăng thêm 3 lần để có thể thực hiện mục tiêu đạt khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050, qua đó chống biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo, Trung Quốc, nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, cũng là nước có số vốn đầu tư vào chuyển đổi năng lượng lớn nhất, trên cả Mỹ và Đức.
Gần 50% tổng số vốn đầu tư năng lượng xanh tập trung tại Trung Quốc, đặc biệt vào các ngành tái chế thép, năng lượng tái sinh và xe điện.
Xét trên toàn thế giới, năng lượng tái tạo là lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất với 495 tỷ USD, tiếp theo là các dự án giao thông điện khí hóa. Ngoại trừ năng lượng hạt nhân, các nhà nghiên cứu cho biết tất cả các lĩnh vực khác đều có mức đầu tư kỷ lục.
Phát triển công nghệ chuyển đổi năng lượng đang được chú trọng tại nhiều nước khi nhiều quốc gia chứng kiến sự gia tăng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt sau khi nguồn cung bị gián đoạn do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.