(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Để đồng hành tiết kiệm điện, than, dầu...

Thứ năm - 12/11/2015 19:41 - Đã xem: 3400

Ngoài tiết kiệm điện, việc tuyên truyền, thực hiện tiết kiệm các nguồn năng lượng khác có được quan tâm và đem lại hiệu quả rõ nét không? Câu hỏi này sẽ được làm sáng tỏ thông qua cuộc phỏng vấn ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương.

Ông Trịnh Quốc Vũ

Phóng viên (PV): Thưa ông, có ý kiến cho rằng, hiện chỉ có hoạt động tiết kiệm điện được triển khai sâu rộng, còn các nguồn năng lượng khác chưa thực sự được chú trọng. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?


Ông Trịnh Quốc Vũ: Đây là một thực tế. Hiện các hoạt động tuyên truyền TKNL đang tập trung vào việc tiết kiệm điện. Tuy nhiên, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi không chỉ tập trung vào tiết kiệm điện mà quên đi tiềm năng TKNL trong các ngành khác, lĩnh vực khác như: Than, dầu khí, ứng dụng sử dụng năng lượng tái tạo biogas ở các vùng nông thôn...
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan sẽ đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động tuyên truyền, phổ biến giải pháp công nghệ mới, kinh nghiệm để áp dụng các giải pháp TKNL trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, tất cả các nguồn năng lượng như: Than, dầu khí, nước, các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...

PV: Theo ông, vì sao hoạt động tiết kiệm điện lại được triển khai rộng rãi và có sức lan tỏa đến cộng động hơn các nguồn năng lượng khác?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Đó là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên/trực thuộc trong việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nhiều năm qua, EVN đã chủ động tuyên truyền, tổ chức các chương trình tiết kiệm điện đến mọi tầng lớp, từ học sinh, sinh viên đến các hộ gia đình, doanh nghiệp… Các chương trình như Giờ trái đất; Gia đình tiết kiệm điện; Tổ dân phố tiết kiệm điện; Trường học tiết kiệm điện... đã thực sự lan tỏa đến toàn xã hội, nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của cộng đồng về những lợi ích thiết thực của TKNL. Ngoài ra, EVN còn tổ chức các hội nghị, hội thảo về các giải pháp TKNL; hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm toán năng lượng...

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, truyền thông từ trung ương tới địa phương cũng đã tham gia mạnh mẽ vào việc tuyên truyền TKNL. Tuy nhiên, đa phần các tác phẩm đều tập trung vào tiết kiệm điện là chính. Thời gian tới, bên cạnh các tuyên truyền tiết kiệm điện, các cơ quan báo chí, truyền thông cần chú trọng nhiều hơn đến các nguồn năng lượng khác như nước, dầu khí, năng lượng tái tạo...

PV: Lợi ích của TKNL hầu như ai cũng rõ. Nhưng để thực thi các giải pháp TKNL, nhiều doanh nghiệp, đơn vị vẫn còn gặp khó về nhân lực và tài chính. Thời gian tới, Bộ Công Thương có giải pháp gì gỡ khó cho doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Có thể nói, hiện nay nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tiềm năng của TKNL tương đối tốt. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong việc thu xếp các nguồn vốn để thực thi các giải pháp TKNL. Bộ Công Thương đã nhận thấy vấn đề này và đang triển khai một số giải pháp để hỗ trợ. Cụ thể, Bộ Công Thương đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng một quỹ cho vay ưu đãi với quy mô 200 triệu USD, nhằm tạo cơ chế tài chính, thúc đẩy các doanh nghiệp vay vốn triển khai các dự án đầu tư về TKNL.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng thông tư quy định, định mức tiêu thụ năng lượng của các ngành công nghiệp trọng điểm. Đầu năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 02/2014 quy định về các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả trong các ngành công nghiệp và định mức tiêu thụ năng lượng trong ngành công nghiệp hóa chất. Sắp tới, sẽ tiếp tục ban hành định mức tiêu thụ năng lượng cho các ngành như, giấy và bột giấy, nhựa, chất dẻo, thép, đồ uống...

Chúng tôi hi vọng rằng, việc hỗ trợ thiết thực từ các quỹ cho vay ưu đãi; hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về định mức sử dụng năng lượng, sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư các giải pháp TKNL, mang lại lợi ích kinh tế cho chính đơn vị mình và lợi ích cho cả cộng đồng.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

 


Nguồn tin: Theo TCĐL chuyên đề Thế giới Điện
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không