Tại buổi gặp mặt, ông Hoàng Đăng Phái, Trưởng xưởng cơ năng, Cán bộ quản lí năng lượng của Xí nghiệp cao su Bình Dương (thuộc tổng công ty Casumina) cho biết, sau bốn lần thực hiện kiểm toán năng lượng (ba năm một lần, bắt đầu từ năm 2009), hiện nay đơn vị suất tiêu hao trên một đơn vị sản phẩm đã giảm xuống được khoảng gần 40%. Trước kia, suất tiêu hao là 0.24 kWh trên một kg đơn vị sản phẩm, hiện chỉ còn 0.18 kWh.
Ông Hoàng Đăng Phái, Trưởng xưởng cơ năng, Cán bộ quản lí năng lượng của Xí nghiệp cao su Bình Dương
Theo ông Phái, mỗi lần xí nghiệp làm kiểm toán, phía tư vấn đều đưa ra một số biện pháp giúp đơn vị tiết kiệm năng lượng, năm sau tiết kiệm tốt hơn năm trước.
Xí nghiệp cao su Bình Dương là một trong tám công ty Việt Nam tham gia Mạng lưới Hiệu quả năng lượng Việt Nam, mới được ra mắt vào ngày 17.7 vừa qua.
Đây là sáng kiến trong khuôn khổ dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, do Tổng cục năng lượng, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cùng phối hợp triển khai dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).
Các công ty tham gia Mạng lưới hiện nay đến từ nhiều ngành khác nhau như ngành dệt may, giấy, vận tải, chế biến cao su, ngành nhựa.
Theo GIZ, những doanh nghiệp tham gia Mạng lưới cần có chi phí tiêu thụ năng lượng cao, với hóa đơn tiền điện hơn 200.000 USD/năm; có trụ sở tại cùng một khu vực; và không là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường.
Để trở thành thành viên chính thức, công ty tham gia sẽ cần chỉ định một Giám đốc Năng lượng, và ký một văn bản nêu rõ nguyện vọng tham gia.
Quan trọng hơn, công ty đó sẵn sàng thay đổi, lắng nghe vì thành công của mạng lưới dựa trên sự tin tưởng và sự chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Mr. Markus Bissel, Trưởng bộ phận Hiệu quả năng lượng của dự án cho biết, Mạng lưới tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp, vì các ngành này hiện đang tiêu thụ hơn 50% tổng lượng điện tiêu thụ của cả nước.
“Chúng tôi cho rằng, mỗi công ty đều có những tri thức nhất định về sử dụng năng lượng hiệu quả. Nếu hợp tác cùng nhau, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu biết nhiều hơn và cùng làm cho việc tiêu thụ năng lượng được hiệu quả hơn.”, ông Bissel nói.
Minh bạch số liệu
Theo mô hình trên, mỗi mạng lưới chỉ có 10 – 15 doanh nghiệp, để các công ty tham gia đều có nhiều cơ hội thảo luận và chia sẻ ở mức tối đa.
Sản xuất thép là một trong những ngành nghề tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Ảnh: TL
Theo GIZ, các công ty tham gia sẽ được hưởng lợi từ kiểm toán năng lượng, sự tư vấn của các chuyên gia tư vấn Việt Nam, cũng như kết nối với các bên công nghệ và dịch vụ đến từ Đức.
Toàn bộ quy trình sẽ được lên kế hoạch và cấu trúc rõ ràng, với sự điều phối các chuyên gia Đức về hiệu quả năng lượng.
Việc sử dụng năng lượng và các số liệu liên quan cũng sẽ được rõ ràng minh bạch hơn, đồng thời thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong tất cả các ngành.
Đánh giá về hoạt động này, ông Nguyễn Hải Dũng, đại điện Vụ Tiết kiệm Năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương, nhìn nhận cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ các thực hành tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất thông qua việc xây dựng một đầu mối, là một cách tiếp cận mềm mại trong tiết kiệm năng lượng. Các thành viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ có kinh nghiệm riêng trong việc vận hành cùng hạ tầng năng lượng. Thực tế, nhiều lĩnh vực khác nhau sử dụng chung quá trình năng lượng như khách sạn, bệnh viện và các ngành công nghiệp.
Mạng lưới hiệu quả năng lượng đầu tiên trên thế giới đã được thành lập vào năm 1987 tại Zurich, Thụy sỹ, sau đó được phổ biến trên thế giới.
Năm 2009, 30 Mạng lưới hiệu quả năng lượng đã được thành lập và tiết kiệm được 12% lượng điện năng sử dụng trong vòng 5 năm.
Trong giai đoạn 2014 – 2020, có đến 500 mạng lưới khác nhau đã và sẽ được dự kiến thành lập tại Đức.
Là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển năng động nhất ở khu vực Châu Á, Việt Nam phải đối mặt với nhu cầu tiêu thụ điện đang tăng lên nhanh chóng. Các ngành công nghiệp, vận tải, và khu vực cư dân hiện là ba lĩnh vực đang tiêu thụ nhiều điện nhất.