Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 tiếp tục được Bộ Công Thương lấy chủ đề "Tiết kiệm điện thành thói quen" qua đó với mong muốn Giảm dấu chân carbon- Hướng tới Net Zezo đồng nghĩa với giảm phát thải. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây cũng là “vũ khí” giúp ứng phó với biến đổi khí hậu - thách thức lớn nhất mà loài người đang phải đối mặt.
Năm nay, cùng với Chiến dịch Giờ Trái đất 2024, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) -Việt Nam cũng chính thức giới thiệu nền tảng Ngân hàng thời gian (Hour Bank), với kỳ vọng có thể nhận ít nhất 10.000 giờ ủng hộ Trái đất từ công chúng Việt Nam.
Theo Bà Kirsten Schuijt - Tổng Giám đốc (WWF): “Chúng ta cần đoàn kết, phát huy sức mạnh của tập thể và cá nhân để nâng cao nhận thức về những vấn đề môi trường, hướng tới phục hồi đa dạng sinh học vào năm 2030. Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở việc tắt đèn 1 giờ mỗi năm mà là cơ hội để tất cả chúng ta cùng nhau hành động, cùng nhau bảo vệ hành tinh mà chúng ta đang sống”.
Bộ tài liệu tuyên truyền Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 bao gồm các thiết kế: poster, banner, phướn, frame Facebook, vòng tay, áo, mũ và túi.
Không chỉ đơn giản "tắt đèn trong một giờ", chủ đề năm 2024 nhằm khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng các giải pháp tối ưu hoá hoạt động, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Với mỗi cá nhân, tổ chức có thể thực hiện từ những hành động nhỏ như đạp xe, lựa chọn mua các sản phẩm tiêu dùng thân thiện với môi trường, trồng thêm cây xanh, tham dự sự kiện Giờ Trái đất tại địa phương hay chỉ đơn giản là tắt các thiết bị điện không cần thiết trong vòng một giờ.
Đối với Việt Nam, việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Tiếp theo cam kết Net Zero tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), chính phủ Việt Nam khẳng định “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện” tại COP28 thông qua việc xây dựng và thực hiện các chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo; nghiêm túc theo đuổi cam kết quốc gia tự quyết định, chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nhiều hoạt động khác nhằm giảm thiểu phát thải carbon.
Tại Việt Nam, WWF-Việt Nam đã chính thức giới thiệu nền tảng Ngân hàng thời gian (Hour Bank). Nền tảng cho phép người dùng khám phá hoạt động phù hợp với bản thân trên 6 lĩnh vực: Thực phẩm; thể thao và sức khỏe; giải trí; nghệ thuật và sáng tạo; bền vững; thiên nhiên. Mỗi cá nhân có thể đồng thời thực hiện nhiều hoạt động hữu ích cho Trái đất, lan tỏa thông điệp tích cực tới cộng đồng từ các sở thích và lối sống hàng ngày.
Bà Kirsten Schuijt cho rằng, bằng cách truy cập trang Ngân hàng thời gian của WWF-Việt Nam, với mỗi lượt truy cập và đăng ký/hoàn thành một hoạt động có trong Hour Bank, hệ thống sẽ ghi nhận thời gian mỗi người đóng góp cho Trái đất. Tổng số thời gian mỗi quốc gia đăng ký trong Hour Bank, và bảng xếp hạng toàn cầu sẽ được công bố trên trang web Giờ Trái đất Quốc tế sau chiến dịch.
Kỳ vọng 10.000 giờ ủng hộ Trái đất từ Việt Nam
Trước đó, WWF đã triển khai nền tảng Hour Bank đã được triển khai từ Giờ Trái đất năm 2023 trên thế giới, ghi nhận 410.000 giờ hành động vì Trái đất từ công chúng toàn cầu.
Đại diện Tổ chức WWF kỳ vọng, năm 2024, Giờ Trái đất có thể nhận được ít nhất 10.000 giờ ủng hộ Trái đất từ công chúng Việt Nam. Bên cạnh các hoạt động trực tuyến trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội, nhiều sự kiện trực tiếp cũng được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi cộng đồng cùng hành động vì mục tiêu chung của Việt Nam.
Bà Phạm Cẩm Nhung, Quản lý Chương trình Khí hậu và Năng lượng của WWF-Việt Nam chia sẻ: Thiên nhiên ban tặng cho con người rất nhiều điều thiết yếu trong cuộc sống, từ không khí chúng ta đang thở, thực phẩm, nước uống chúng ta dùng hàng ngày. Về cơ bản, con người hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Giờ Trái đất là cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại và suy ngẫm. Bên cạnh hành động tắt đèn, mỗi người có thể làm nhiều điều thiết thực để bảo vệ ngôi nhà chung duy nhất, bằng cách giảm dấu chân carbon và góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Chạy bộ hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức (Ảnh: Thu Hường)
Bắt nguồn từ sự kiện tắt đèn mang tính biểu tượng tại Sydney 2007, Giờ Trái Đất đã trở thành phong trào toàn cầu hàng năm về bảo vệ môi trường, nơi các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ trên toàn thế giới cùng lên tiếng về tác động của biến đổi khí hậu, mất tài nguyên thiên nhiên. Năm 2009, Giờ Trái Đất được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam chỉ với 6 tỉnh thành tham gia. Đến nay, toàn bộ 63 tỉnh thành và hàng triệu cá nhân và doanh nghiệp, tổ chức đã tham gia Chiến dịch hằng năm.
Năm 2023, WWF quyết định nâng cao sứ mệnh của Giờ Trái Đất. Năm 2030 không còn xa, và mục tiêu phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên đã trở nên cấp bách. Giờ Trái Đất đổi mới hình ảnh đại diện 60+ quen thuộc thành biểu tượng đồng hồ lật số, tập trung vào tính cấp thiết, nhắc nhở rằng thời gian đang trôi nhanh và mỗi cá nhân cần thể hiện trách nhiệm đối với Trái đất – ngôi nhà chung của muôn loài.
Vào 20 giờ 30 phút ngày 23/3/2024 theo giờ địa phương, Giờ Trái đất lần thứ 18 sẽ diễn ra trên toàn cầu. Chiến dịch kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng toàn thế giới “Tắt đèn, dành trọn vẹn một giờ cho Trái đất", và dành nhiều thời gian hơn nữa làm một việc hữu ích cho hành tinh của chúng ta. |
Theo: Báo Công Thương