Theo niên giám thống kê khoáng sản thế giới (USGS), Uzbekistan là nước sản xuất vàng thứ 9 trên thế giới. Trữ lượng loại khoáng sản đắt đỏ bậc nhất hành tinh nằm tại quốc gia Trung Á này lên tới 5.300 tấn, đứng thứ 5 toàn cầu.
Phần lớn vàng của Uzbekistan được khai thác từ mỏ trung tâm Kyzylkum, sa mạc lớn thứ 16 thế giới và chiếm một phần không nhỏ diện tích của quốc gia này. Tại Kyzylkum có 3.600 tấn vàng có tiềm năng khai thác trong 2 thập kỷ tới và khoảng 3.200 tấn có thể được tìm thấy trong nhiều năm tiếp theo.
Suốt nhiều năm, mỏ vàng lộ thiên Muruntau của Uzbekistan đứng thứ hai trong danh sách những nơi loài người tìm thấy vàng nhiều nhất trên thế giới. Tại đây, chính quyền Uzbekistan xây dựng một nhà máy liên hoàn, từ công ty khai mỏ Navoi đến xưởng luyện kim Combine.
Được phát hiện vào năm 1958, Muruntau đã cung cấp cho thị trường Uzbekistan 50 triệu ounce vàng (tương đương 1.600 tấn). Phần dự trữ còn lại ước tính có thể khai thác thêm đến năm 2032 trước khi trở nên khan hiếm hơn và phải chuyển sang mỏ mới là Chadak (tại Mangan) và Marjanbulak (ở Jizak). Với giá vàng hiện tại, riêng khu mỏ lộ thiên này đã mang về cho quốc gia Trung Á nguồn thu khoảng 65 tỷ USD.
Mỏ vàng lộ thiên Muruntau của Uzbekistan.
Tuy vậy, việc khai thác khoáng sản, đặc biệt là vàng, ở Uzbekistan không phải lúc nào cũng thuận lợi. Để có công nghệ khai thác, chính quyền Uzbekistan lập ra Ủy ban Nhà nước về Địa chất và Khoáng sản (Goskomgeologia) nhằm giám sát ngành công nghiệp tỷ đô này, trong khi việc khai mỏ được thực hiện thông qua các doanh nghiệp nước ngoài.
Năm 2006, Newmont Mining Corp ký một thỏa thuận khai thác với chính phủ Uzbekistan theo tỷ lệ góp vốn 50-50 khi tiến hành các hoạt động tìm kiếm vàng tại đây. Nhưng không bao lâu sau, Newmont bị cáo buộc trốn thuế và chỉ trong vòng 1 tháng, nhà cầm quyền Uzbekistan đã sung công quỹ lại toàn bộ lượng vàng, bạc và các nguyên liệu dở dang trong quá trình khai mỏ, luyện kim của Newmont.
Công ty này sau đó đã đệ đơn khiếu nại lên ủy ban trọng tài của Ngân hàng thế giới, để nhận lại một thỏa thuận mới với chính quyền quốc gia Trung Á. Nội dung thỏa thuận này chưa từng được tiết lộ.
Một trường hợp khác là công ty liên doanh Amantaytau Goldfields (AGF) gồm Oxus Mining (góp vốn 50%), Goskomgeologia (góp vốn 40%) và Kyzylkumredmetzoloto (góp 10%) được thành lập năm 1993 với mục tiêu thăm dò và khai thác vàng tại Uzbekistan.
Theo các báo cáo cuối cùng được cung cấp trước năm 2011, AGF đã tìm kiếm được những mỏ khai thác có trữ lượng khoảng 6,4 triệu tấn vàng và 3,4 triệu tấn bạc. Thế nhưng, tháng 3/2011, Uzbekistan đột ngột dừng hoạt động của liên doanh này, kèm theo cáo buộc về khả năng tài chính của AGF sau kiểm toán.
Cuộc tranh cãi không hồi kết đã khiến liên doanh tạm ngưng hoạt động từ đó đế nay, phủ bóng đen lên nền công nghiệp tỷ đô của Uzbekistan. Rất nhiều công ty nước ngoài đã vội vã chạy khỏi quốc gia này ngay khi mới bắt đầu vào giai đoạn nghiên cứu khả thi của dự án.
Dẫu vậy, Uzbekistan vẫn là thị trường được nhiều ông lớn khai khoáng yêu thích. Các nhà đầu tư tại Ấn Độ và Trung Quốc là những người tích cực nhất trong việc tìm kiếm các thỏa thuận liên danh với chính quyền Uzbekistan nhằm sớm vực dậy ngành công nghiệp khai mỏ tỷ đô này