Theo Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành xây dựng đạt 12% - 16%/năm và tiêu thụ khoảng 20% - 24% tổng năng lượng quốc gia. Hiện nay rất nhiều thiết bị điều hòa không khí đang sử dụng có công nghệ cũ, hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều điện năng. Hệ thống kỹ thuật chưa được bảo trì đúng cách, dẫn tới tổn hao nhiệt năng lớn. Trong quá trình sử dụng, một số yếu tố chưa được chú trọng đúng mức, như độ chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài không gian điều hòa, bố trí các phòng lạnh tiếp xúc trực tiếp với bức xạ mặt trời…
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Hoàng Hải Quân, chuyên gia tư vấn kỹ thuật (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TPHCM), cho biết công trình - tòa nhà là đối tượng tiêu thụ nhiều năng lượng nhất. Nếu tính cả năng lượng để chế tạo vật liệu xây dựng, vận chuyển đến nơi xây dựng và lắp đặt, thì tổng năng lượng tiêu thụ lên đến 48% tổng năng lượng quốc gia. Trong khi đó, tuổi thọ các công trình xây dựng chỉ 50 - 100 năm.
Trong công trình - tòa nhà, hệ thống điều hòa không khí tiêu thụ đến 40% năng lượng; tiếp đến là chiếu sáng 15% - 20%; hệ thống thang máy 5% - 10%; hệ thống nước nóng 5% - 10% và các thiết bị văn phòng tiêu thụ 10% - 15% năng lượng. Do đó, các công trình - tòa nhà nếu thực hiện đổi mới công nghệ, sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường ngay từ khi xây dựng thì về lâu dài sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho cả chủ đầu tư và xã hội.
Những hệ thống có thể ứng dụng, đổi mới trong công trình bao gồm vỏ bọc công trình, chiếu sáng, điều hòa không khí, hệ thống nước nóng. Theo tính toán, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà có thể lên tới 30% - 40%.
Nhiều chuyên gia nhận định, xu hướng đầu tư phát triển bất động sản theo hướng thân thiện với môi trường và lựa chọn các giải pháp “xanh” cho công trình chắc chắn sẽ giúp các chủ đầu tư giảm chi phí đáng kể trong việc sử dụng tài nguyên, đồng thời giảm phát hiệu ứng nhà kính cho cộng đồng. Song, để làm được điều này, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Ví dụ như, cơ chế chính sách cần có những ưu đãi cụ thể, lâu dài về vốn, thuế, tiền thuê đất đối với các nhà sản xuất và từng loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu không nung; công bố và ban hành các tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, thi công, nghiệm thu. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu tiêu hao, tiêu tốn ít tài nguyên. Bên cạnh đó, với những yêu cầu cấp thiết về tiết kiệm năng lượng như hiện nay, đội ngũ tư vấn thiết kế nên tự cập nhật những kiến thức về các công trình xanh để áp dụng.