1. Giới thiệu
Các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giúp giảm chi phí vận hành cũng như các tác động môi trường liên quan đến sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống. Nhằm quản lý năng lượng hiệu quả thì bước đầu tiên cần thực hiện đó là kiểm toán năng lượng.
Theo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam, kiểm toán năng lượng là hoạt động đo lường, phân tích, tính toán, đánh giá để định mức tiêu thụ năng lượng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng và đề xuất giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngoài ra theo tiêu chuẩn ISO 50002, kiểm toán năng lượng được định nghĩa là quá trình phân tích có hệ thống năng lượng tiêu thụ của đối tượng được kiểm toán nhằm xác định, định lượng và đề xuất các cơ hội cải thiện hiệu quả năng lượng.
2. Quy trình kiểm toán năng lượng
Theo thông tư 09/2012/TT-BCT quy định về lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và thực hiện kiểm toán năng lượng, có sáu bước chung có thể áp dụng cho bất kỳ cơ sở nào thực hiện kiểm toán năng lượng.
Bước 1 Xác định phạm vi kiểm toán
Mục đích chính của bước này là xác định phạm vi và nguồn lực thực hiện kiểm toán năng lượng. Cần chỉ ra khu vực hay thiết bị nào cần được kiểm toán. Các nguồn lực bao gồm nhân lực và kinh phí.
Bước 2 Thành lập nhóm kiểm toán
Cần thành lập nhóm kiểm toán năng lượng bao gồm các kiểm toán viên có năng lực và chứng chỉ kiểm toán viên.
Bước 3 Ước tính khung thời gian và kinh phí
Nhóm kiểm toán có trách nhiệm lên kế hoạch về thời gian và chi phí. Chi phí kiểm toán năng lượng bao gồm các chi phí: nhân công( dựa trên số giờ làm việc của kiểm toán viên), có thể thuê chuyên gia bên ngoài và sử dụng thiết bị đo lường.
Bước 4 Thu thập dữ liệu sẵn có
Ở bước này cần thu thập các dữ liệu sẵn có bao gồm:
a) Đặc tính kỹ thuật của thiết bị và dây chuyền sản xuất được kiểm toán (trong trường hợp toà nhà cần lưu ý diện tích sàn, kết cấu, hướng và số lượng thiết bị).
b) Quy trình vận hành và hướng dẫn sửa chữa thiết bị.
c) Báo cáo vận hành, tình hình sửa chữa thiết bị, ghi chép số liệu đo lường về nhiệt động, áp suất, số giờ vận hành,vv..
d) Giải pháp tiết kiệm năng lượng đã phê duyệt và đang dự kiến
e) Hoá đơn năng lượng trong ba năm cuối
f) Ghi chép năng lượng sử dụng và nhu cầu sử dụng cực đại nếu có
Qua dữ liệu đã được thu thập, kiểm toán viên cần so sánh các đặc tính vận hành của thiết bị hiện tại với yêu cầu thiết kế.
Bước 5 Đo đặc
Trong trường hợp cần phải thu thập thêm dữ liệu, nhóm kiểm toán cần thực hiện đo đặc tại các khu vực và thiết bị theo yêu cầu. Cần thiết kế bảng ghi chép số liệu trước khi kiểm toán.
Bước 6 Phân tích dữ liệu
Kết quả bước này là tìm ra các cơ hội tiết kiệm năng lượng thông qua phân tích dữ liệu thụ thập. Hiệu quả của các giải pháp có thể được chứng thông qua giá trị hiện tại thuần (NPV) và/hoặc tỷ suất chiết khấu nội tại (IRR) cũng như thời gian hoàn vốn.
Ngoài ra, tiêu chuẩn ISO 50002 cũng đưa ra quy trình kiểm toán năng lượng, xem sơ đồ dưới đây.
Quy trình kiểm toán năng lượng theo ISO 50002 (1)
3. Lợi ích
– Xác định được tiềm năng tiết kiệm năng lượng và mức độ ưu tiên của từng giải pháp.
– Đánh giá được ảnh hưởng của giải pháp tiết kiệm năng lượng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
– Tăng cường nhận thức về sử dụng năng lượng của lãnh đạo và nhân viên trong Doanh nghiệp.
4. Ứng dụng
Theo Thông tư 09/2012/TT-BCT, có hai mức kiểm toán năng lượng gồm kiểm toán năng lượng sơ bộ và kiểm toán năng lượng chi tiết. Bảng dưới đây trình bày so sánh giữa hai loại này.
So sánh kiểm toán năng lượng và kiểm toán chi tiết(2)
Để thực hiện kiểm toán năng lượng, kiểm toán viên phải thi và đạt chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng. Bất kỳ tổ chức nào đáp ứng yêu cầu Thông tư 39/2011/TT-BCT có thể tổ chức khoá đào tạo kiểm toán viên năng lượng.
Tham khảo
(1) ISO 50002 – Kiểm toán năng lượng, Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế, 2013.
(2) Thông tư 09/2012/TT-BCT quy định về lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và thực hiện kiểm toán năng lượng, Bộ Công Thương, 2012.
(3) Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Quốc hội, 2010.
(4) Thông tư 39/2011/TT-BCT quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng, Bộ Công Thương, 2011.