(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Cung ứng điện mùa khô - Bài 2: Sử dụng tiết kiệm, an toàn

Thứ hai - 04/06/2018 14:11 - Đã xem: 3981

Năm 2018, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện tại các đảo chưa nối lưới điện quốc gia, vùng nuôi tôm Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực trồng hoa Lâm Đồng, trồng thanh long ở Tiền Giang...

Công ty Điện lực Tiền Giang sửa chữa điện nóng, khắc phuc các sự cố trên đường dây đang mang điện. Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Việc nâng cao ý thức cho khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả cũng đồng nghĩa với việc giảm áp lực cung ứng điện trong những thời điểm hệ thống điện vận hành khó khăn, nhất là vào mùa khô. Qua đó cũng giúp người dân hiểu được rằng sử dụng điện tiết kiệm và an toàn cũng là một cách làm kinh tế, mang lại nhiều lợi ích cho từng hộ gia đình, cho cộng đồng và cho xã hội. 

Hỗ trợ các khu vực đặc thù 

Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc EVN SPC cho biết năm 2018, ngành điện miền Nam tiếp tục là đơn vị đi đầu triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, tuyên truyền sâu rộng đến các đối tượng dùng điện thực hiện Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, quảng bá thiết bị điện có hiệu suất cao, tạo bước chuyển biến trong việc sử dụng năng lượng, góp phần giảm dần hệ số đàn hồi giữa tốc độ tăng trưởng về nhu cầu điện và GDP. 

Năm 2018, EVN SPC phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu về tiết kiệm 1,5% điện năng so với sản lượng điện thương phẩm, hoàn thành các chương trình tiết kiệm điện (TKĐ) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao. Mặt khác, Tổng công ty cũng nâng cao hiệu quả truyền thông về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong toàn khu vực quản lý; gắn kết truyền thông sử dụng điện an toàn, tiết kiệm với nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. 

Đặc biệt, EVN SPC sẽ thực hiện hỗ trợ TKĐ cho các phụ tải đặc thù như: các đảo chưa nối lưới điện quốc gia; trồng hoa cúc, tưới tiêu tại Lâm Đồng; nuôi thủy sản tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho khách hàng phụ tải công nghiệp... Ngoài ra, triển khai các dự án đầu tư năng lượng mặt trời tại nhà điều hành các đơn vị trực thuộc và trạm 110kV do EVN SPC quản lý. 

Hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay thế đèn tiết kiệm điện 

Tiền Giang là tỉnh có diện tích trồng thanh long khoảng 5.000ha, tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Gạo. Ngoài ra còn khoảng 2.000ha được trồng rải rác tại các huyện Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Tây. 

Thông qua Đề án Hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn TKĐ, mấy năm gần đây, phần lớn các hộ trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được lợi ích của việc sử dụng đèn compact tiết kiệm điện để xông thanh long. 

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo sau thời gian phối hợp với Công ty Điện lực Tiền Giang thực hiện 60 điểm thí điểm xông thanh long bằng đèn compact, trên địa bàn huyện đã có kết luận loại đèn này hoàn toàn có khả năng thay thế đèn tròn sợi đốt trong việc xử lý thanh long nghịch mùa, không ảnh hưởng lớn đến sản lượng thu hoạch vì trái to, đều. 

Tuy nhiên, theo Công ty Điện lực Tiền Giang, do thói quen sử dụng đèn sợi đốt xông thanh long từ trước đến nay nên nông dân còn lưỡng lự trong việc đăng ký tham gia chương trình đổi đèn tròn bằng đèn compact. Một lý do nữa là số tiền người dân bỏ ra mua đèn compact thay thế đèn tròn là không nhỏ và việc sử dụng đèn compact dễ mất trộm nên người dân còn chưa mặn mà thay thế. 

Ông Nguyễn Điền Khoán, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang cho biết, thời gian tới, Công ty tiếp tục tổ chức tuyên truyền hiệu quả về việc sử dụng đèn LED xông thanh long. 1 bóng đèn LED có thể thay cho 6 bóng đèn tròn và đèn compact. 

Tiết kiệm điện trong nuôi tôm 

Theo ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc EVN SPC, giai đoạn 2016 - 2017, Tổng công ty đã tuyên truyền, vận động 161 hộ nuôi tôm tại Sóc Trăng tham gia chương trình TKĐ với 2 mô hình hỗ trợ. Mô hình 1 (thay thế gối đỡ chữ U bằng con lăn đỡ trục quay) giúp tiết kiệm 15,2% điện năng so với khi chưa áp dụng giải pháp. Tổng số tiền điện tiết kiệm bình quân trong năm được trên 951 triệu đồng; trong khi chi phí vật tư, nhân công lắp đặt mô hình hơn 658 triệu đồng. Mô hình 2 (đồng trục hóa mô tơ với dàn quạt và sử dụng con lăn trục quay thay thế gối đỡ chữ U) đã tiết kiệm được 38,7% điện năng, tương đương gần 2,5 tỷ đồng tiền điện hàng năm của 161 hộ. Kết quả trên đã được Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đánh giá xác nhận. 

Mới đây, sáng kiến “Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm” của EVN SPC đã được trao giải cao nhất của cuộc thi "Sáng kiến vì cộng đồng" lần 2 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và EVN tổ chức. 

Theo ông Đặng Nguyên Phương - Trưởng ban Kiểm tra, giám sát mua bán điện của EVN SPC, với hơn 238 MW công suất đỉnh cần thiết để cấp điện cho các hộ nuôi tôm Đồng bằng sông Cửu Long, chi phí đầu tư sẽ khoảng 4.760 tỷ đồng. Trong khi hiện nay, để đầu tư để sản xuất ra 1MW điện cần khoảng 20 tỷ đồng, do đó giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm vừa giúp ngành điện tiết kiệm được chi phí đầu tư và mang lại hiệu quả trong sản xuất. Nếu được ứng dụng rộng rãi sẽ cho hiệu quả TKĐ vô cùng lớn trong sản xuất, nuôi tôm ở khu vực miền Nam cũng như cả nước. 

Tuyên truyền, trang bị những kỹ năng sử dụng điện cơ bản

Công nhân Công ty Điện lực Cà Mau hướng dẫn các hộ dân nuôi tôm trên địa bàn huyện Phú Tân sử dụng điện an toàn. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Tại Cà Mau, Phó Giám đốc Điện lực Phú Tân (Công ty Điện lực Cà Mau), ông Mai Nguyễn Trưởng cho hay, để cung cấp điện an toàn trong nuôi tôm, hàng năm, Điện lực lập kế hoạch phối hợp với 8 xã và 1 thị trấn tuyên truyền hơn 10 cuộc trong dân để người dân nắm được một số kỹ năng cơ bản về sử dụng điện; đồng thời phối hợp với các địa phương có hộ nuôi tôm kéo điện ra ao tôm an toàn. 

Anh Nguyễn Văn Bé ngụ ở ấp Dân Quân, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, thành phố Cà Mau có 4 ao nuôi tôm thẻ chân trắng cho biết, với tổng diện tích khoảng 6.000m2, bình quân mỗi tháng anh sử dụng khoảng 40 triệu tiền điện. Với chi phí tiền điện lớn như vậy nên khi được Điện lực huyện Phú Tân đến tuyên truyền về các biện pháp an toàn sử dụng điện trong nuôi tôm công nghiệp và TKĐ nên gia đình đã có ý thức rất sâu sắc về vấn đề này. 

Trên thực tế, sau các cuộc tuyên truyền, người dân đã có chuyển biến tốt về an toàn sử dụng điện. Tuy nhiên, do kinh phí còn khó khăn nên vẫn còn những hộ dân chưa thực hiện các biện pháp về an toàn điện bởi ngành điện chỉ kéo điện đến công tơ và hỗ trợ về mặt kỹ thuật để người dân thực hiện đúng về an toàn điện. 

Còn tại Bạc Liêu, tỉnh có sản lượng nuôi tôm lớn thứ hai của Đồng bằng sông Cửu Long, 5 tháng đầu năm nay, Công ty Điện lực Bạc Liêu đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong nuôi tôm, đồng thời chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, quảng bá nhân rộng áp dụng 2 mô hình TKĐ trong nuôi tôm đã được EVN SPC triển khai thí điểm tại Sóc Trăng. Mô hình được đoàn công tác liên Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và EVN xác nhận khả năng tiết kiệm điện. 

Ông Mã Thanh Liệt, ở ấp Cái Tràm B, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu chia sẻ, với diện tích nuôi tôm sú công nghiệp 1,5ha, gia đình bắt đầu dùng trục con lăn tiết kiệm điện được 1-2 vụ tôm. 

“Bình quân mỗi tháng hiện nay, tôi chỉ phải trả khoảng 4 triệu tiền điện, so với trước thì tiền điện giảm được hơn 30%. Hiện chi phí tiền điện chiếm khoảng từ 13-14% trong chi phí nuôi tôm. Nên khi sử dụng tổng số 200 con lăn tiết kiệm điện cho diện tích nuôi trên thì 3-4 năm gia đình sẽ hoàn vốn đầu tư”, ông Liệt tính toán. 

Đối với tỉnh Tiền Giang, các Điện lực Tân Phú Đông, Gò Công Đông, thị xã Gò Công, Gò Công Tây đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền tư vấn các hộ nuôi tôm TKĐ trong sử dụng, kiểm tra hướng dẫn các hộ nuôi tôm sử dụng điện an toàn, kết hợp khảo sát nhu cầu sử dụng năng lượng mặt trời cho mục đích nuôi tôm. 

Ngoài ra, với việc EVN SPC đầu tư và đưa vào vận hành 6 công trình ESCO (mô hình kinh doanh dịch vụ năng lượng) tại Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam, khách sạn Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ); khách sạn Cửu Long (Vĩnh Long); khách sạn Phoenix (Bà Rịa - Vũng Tàu); khách sạn SIVA (Bình Thuận); đồng thời tư vấn và tuyên truyền cho 3 khách hàng tự thực hiện mô hình ESCO, từ năm 2015 đến nay, mô hình này góp phần tiết giảm được 795.618 kWh, giúp khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. 


Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm nay, sản lượng điện tiết kiệm của EVN SPC đạt 445 triệu kWh, tăng 6,2% so với cùng kỳ và đạt 2,1% so với tổng sản lượng điện thương phẩm.


Nguồn tin: baotintuc.vn
 
40 năm 
Giải phóng Quảng Trị
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án lắp đặt hệ thống đèn LED cho các tàu đánh bắt xa bờ 
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không