Ảnh minh họa: Internet
Theo lộ trình của Chính phủ, việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy được quy định tự nguyện đến hết năm 2019, bắt buộc kể từ ngày 1-1-2020. Nhằm hiện thực hóa chủ trương này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nghiên cứu hoàn thiện dự thảo thông tư về dán nhãn năng lượng đối với mô tô, xe máy, áp dụng bắt buộc đối với phương tiện được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng.
Mục đích việc dán nhãn là thông tin minh bạch về mức tiêu thụ nhiên liệu của xe theo chu trình đo đã được thống nhất, cung cấp cho khách hàng biết để chọn lựa khi mua xe... Việc chọn xe mô tô và xe gắn máy để dán nhãn năng lượng là do tốc độ tăng trưởng của loại phương tiện này quá nhanh. Thống kê sơ bộ đến nay đã có hơn 55,1 triệu mô tô, xe gắn máy được đăng ký trên cả nước. Tốc độ gia tăng về số lượng của mô tô, xe gắn máy sẽ vào khoảng 10% trong những năm tới. Hằng năm, phương tiện cơ giới đường bộ tiêu tốn khoảng 13 triệu tấn nhiên liệu các loại, trong đó xe cơ giới chiếm khoảng 70%. Do vậy, việc triển khai áp dụng dán nhãn năng lượng cho tất cả loại xe mô tô, xe gắn máy là cần thiết.
Ông Nguyễn Hữu Tiến (Vụ Môi trường, Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết, nhãn năng lượng không phải là giấy tờ phục vụ việc đăng ký xe cũng như các thủ tục khác. Bằng việc dán nhãn năng lượng, doanh nghiệp khi đưa các loại xe ra thị trường để bán sẽ phải thông tin minh bạch, có căn cứ về mức tiêu thụ nhiên liệu của xe. Thông qua nhãn năng lượng, người tiêu dùng có căn cứ để lựa chọn phương tiện có mức tiêu hao nhiên liệu phù hợp. Các nhà sản xuất, kinh doanh xe cũng sử dụng mức tiêu thụ nhiên liệu của xe như một trong những công cụ cạnh tranh trên thị trường. Kết quả, người tiêu dùng sẽ chọn được cho mình phương tiện có mức tiêu hao nhiên liệu thấp. Việc dán nhãn năng lượng cũng sẽ góp phần giảm tổng mức tiêu thụ nhiên liệu thông qua hoạt động của các phương tiện giao thông...
Bên cạnh quan điểm ủng hộ cũng đang tồn tại những ý kiến lo ngại về tính khả thi của chủ trương dán nhãn năng lượng cho xe mô tô, xe gắn máy. Theo ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, với các xe sản xuất, lắp ráp mới, các nhà sản xuất đều công bố những thông số kỹ thuật của xe, họ chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông số này. Do đó, việc dán thêm nhãn năng lượng về mức tiêu thụ nhiên liệu là lặp lại, không cần thiết và gây lãng phí.
Ông Nguyễn Thành Trung (quận Hoàng Mai) thắc mắc: Chi phí liên quan đến dán nhãn năng lượng liệu có bị tính vào giá bán đến khách hàng? Thông thường những người có nhu cầu mua xe máy chú ý đến phương diện kinh tế nhiều hơn là môi trường. Nếu nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, Bộ Giao thông - Vận tải cần quyết liệt trong việc loại bỏ các loại xe không còn đủ điều kiện lưu thông, không bảo đảm các thông số an toàn...
Được biết, các chỉ số này được nhà sản xuất tự công bố và thường chỉ số tiêu hao năng lượng được gắn con số tối thiểu nhất có thể trong phòng thí nghiệm. Tức là đo mức tiêu hao năng lượng trong điều kiện xe nổ máy mà không có người ngồi trên, không trừ hao khoản đường sá, ách tắc giao thông... Trong khi những yếu tố này gia tăng tiêu hao năng lượng đáng kể. Thế nên, việc dán nhãn năng lượng cho xe gắn máy tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh kẹt xe triền miên, đi không đúng tốc độ đã thí nghiệm..., thì hiệu quả tiết kiệm năng lượng cũng rất thấp.
Đại diện Bộ Giao thông - Vận tải cho biết sẽ phải bàn bạc kỹ với Bộ Công Thương và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam. Sau khi đưa ra lộ trình cụ thể, cơ quan chức năng sẽ đăng tải lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp trước khi chính thức áp dụng.