(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Năng lượng tái tạo, xu hướng tương lai

Thứ hai - 09/07/2018 15:47 - Đã xem: 3436
Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) mới đây khẳng định, để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu, việc mở rộng lĩnh vực năng lượng tái tạo là cần thiết nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. 
 
Lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời ở vùng sa mạc của Mê-xi-cô.
 
 
Nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng sản xuất năng lượng tái tạo và dự báo ngành khai thác năng lượng không các-bon có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, tạo ra tới 28 triệu việc làm từ nay đến năm 2050.
 
Đi đầu về xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch là các nước châu Âu. Hồi đầu năm nay, các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) đầu tư 873 triệu ơ-rô cho các dự án lớn của châu Âu về cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Trong số 17 dự án được EU lựa chọn tài trợ có tám dự án thuộc lĩnh vực điện với mức đầu tư lên tới 680 triệu ơ-rô và chín dự án khác liên quan khí đốt được đầu tư 193 triệu ơ-rô. Liên minh năng lượng là một trong những ưu tiên của EC nhằm chuyển đổi châu Âu sang một nền kinh tế sạch và hiện đại. Thụy Điển, Na Uy và Thụy Sĩ là ba quốc gia hàng đầu thế giới về chuyển đổi năng lượng; xếp sau là Phần Lan và Đan Mạch. Trong số các nước này, hệ thống năng lượng của Thụy Sĩ được đánh giá tốt hàng đầu thế giới. Tại Thụy Sĩ, gần hai phần ba điện năng được sản xuất bằng thủy điện và năng lượng tái tạo.
 
Tại châu Á, nhiều quốc gia cũng đang trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA) cho biết, năng lượng sạch được kỳ vọng sẽ vượt qua than đá về công suất phát điện tại nước này trong khoảng 10 năm tới. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đặt mục tiêu trong tương lai gần, năng lượng sạch sẽ đóng vai trò chủ đạo trong tiêu thụ điện năng với các loại nhiên liệu phi hóa thạch sẽ chiếm 50% tổng công suất phát điện vào năm 2030. Ấn Độ cũng tập trung vào năng lượng tái tạo. Nước này cùng Pháp đồng sáng lập Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế (ISA) năm 2016, với mong muốn thúc đẩy năng lượng mặt trời trên quy mô toàn cầu. Ấn Độ đã phát động chương trình mở rộng năng lượng tái tạo và dự kiến đến năm 2022 sẽ sản xuất 175 GW điện từ nguồn năng lượng này. Chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch chi khoảng 110 tỷ USD từ nay đến năm 2030 để xây dựng thêm các nhà máy điện mặt trời và điện gió trên cả nước nhằm tăng gấp ba lần tỷ lệ điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo.
 
Tại châu Mỹ, theo xếp hạng của Happy Planet Index, năm 2017, Cô-xta Ri-ca tiếp tục dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo và là năm thứ ba liên tiếp phá kỷ lục về số ngày chỉ sử dụng năng lượng sạch. Đất nước mang tên “bờ biển giàu đẹp” này đã đạt mốc tròn 300 ngày chỉ sử dụng điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo. Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo của Cô-xta Ri-ca trong năm 2017 đã đáp ứng 99,62%, gần như tuyệt đối nhu cầu điện tiêu thụ trong năm của quốc gia có 4,8 triệu dân này. Cu-ba cũng nỗ lực phát triển nhiều dạng năng lượng tái tạo khác nhau để chuyển đổi cơ cấu sản xuất điện hiện hành và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Quốc đảo vùng Ca-ri-bê đã đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 24% trong tổng sản lượng điện vào năm 2030. Cu-ba có kế hoạch dùng năng lượng tái tạo thay thế cho việc sử dụng 1,75 triệu tấn nhiên liệu hóa thạch mỗi năm, trong đó việc sử dụng bã mía để sản xuất điện sinh học là biện pháp sản xuất điện chính của Cu-ba.
 
Theo nghiên cứu của IRENA, để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu, từ nay đến năm 2030, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng toàn cầu phải tăng gấp hai lần. Năm 2017, IRENA tuyên bố, đầu tư cho năng lượng sạch phải tăng từ 305 tỷ USD trong năm 2015 lên mức trung bình 900 tỷ USD/năm trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2030.
 

Nguồn tin: icon.com.vn
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không